18/05/2021

Tư thế hoa sen

Cùng với tư thế Đứng Bằng Đầu (Headstand), có lẽ tư thế Hoa Sen (Lotus – Padmasana) là tư thế yoga nổi tiếng nhất. Bằng cách này hay cách khác, hầu hết mọi người đều đã nghe hoặc đọc về nó. Hai chân bắt chéo nhau sao cho bàn chân đặt trên đùi, hai tay đặt trên đầu gối và bạn ngồi với một cột sống thẳng. Padmasana gọi theo tiếng Phạn, có nghĩa là tư thế Hoa Sen, nó là một trong những tư thế thiền định cổ điển.

TƯ THẾ THIỀN ĐỊNH TẠI SAO?

Khi bạn muốn thiền định, điều quan trọng là có thể ngồi yên, ngồi ngay thẳng và thư giãn trong một khoảng thời gian dài nhất định. Khi cơ thể được giữ bất động và ổn định, nó trở nên thư giãn và tâm trí bắt đầu lắng xuống, đó là điều kiện tiên quyết để đi xa hơn.

Đương nhiên, không bắt buộc phải ngồi trong tư thế Hoa Sen để thiền định. Vì vậy, điều quan trọng là, bạn có thể ngồi yên trong một khoảng thời gian, mà không phải lo lắng về cơ thể. Để đạt được điều đó, cũng có những tư thế đơn giản hơn mà bất kỳ ai (kể cả những người chưa được tập luyện) có thể sử dụng mà không gặp khó khăn. Trong một số hình thức thiền định. Ví dụ: Khi bạn bắt đầu thực hành tĩnh lặng Nội tâm, bạn cũng có thể ngồi trên một chiếc ghế cao hoặc thậm chí trên ghế bành miễn là bạn ngồi thoải mái và ngay thẳng. Mặt khác, khi bạn muốn đi xa hơn (trong tĩnh lặng Nội tâm) hoặc thực hành với năng lực tâm linh của bạn trong các hình thức thiền định như Ajapa Jap (kết hợp tụng thần chú và thiền định) hoặc Kriya Yoga, thì cần phải học hỏi một trong những tư thế thiền định chính cống vì tư thế này có tác dụng của riêng nó.


TƯ THẾ HOA SEN

Một khi đã học được cách làm chủ tư thế Hoa Sen, bạn hưởng được lợi ích về việc có thể ngồi bất động và dễ dàng trong một thời gian dài. Ở những tư thế khác, như tư thế bắt chéo chân bình thường, phần thân trên dễ bị cong xuống và làm cho mệt mỏi. Ngược lại, trong tư thế thiền định đích thực như tư thế Hoa Sen, người ta có thể học cách để tránh sự bồn chồn và căng thẳng cơ bắp. Có thể lập luận rằng, người ta có thể nằm trên lưng thoải mái hơn nhiều trong tư thế Xác Chết (Savasana) giống như lúc họ thực hiện các kiểu thư giãn khác nhau. Tuy nhiên, sự thư giãn và điềm tĩnh trong cơ thể chỉ là một phần nhỏ trong toàn bộ tác dụng của tư thế Hoa Sen.

NĂNG LƯỢNG

Trong tủy sống, các đường dẫn của hệ thần kinh trung ương kết nối não với phần còn lại của cơ thể. Tất cả các bộ phận của cơ thể được kiểm soát thông qua các đường dẫn này. Vị trí thẳng đứng và không bị xáo trộn của cột sống ở tư thế Hoa Sen rất quan trọng để các xung thần kinh lưu chuyển tự do trong khi thiền định.

Những đường dẫn thần kinh này cùng với não được bao bọc bởi một lớp màng bảo vệ, ở bên trong, chúng được gọi là những dòng dịch não tủy. Chất lỏng này nuôi dưỡng các đầu dây thần kinh và não – tư thế Hoa Sen đem lại điều kiện tốt nhất cho sự lưu chuyển của nó. (Trong nhiều trường hợp một người chữa bệnh bằng phương pháp nắn khớp xương sẽ điều trị bệnh bằng cách loại bỏ sự tắc nghẽn trong sự lưu chuyển của dịch não tủy).

Khi chúng ta đi vào khía cạnh tinh tế, đến năng lượng tâm linh, rồi đến bên trong tủy sống, chúng ta thấy các dòng năng lượng Mặt trăng (Ida), Mặt trời (Pingala) và dòng năng lượng Trung tâm (Shushumna), ba đường dẫn năng lượng quan trọng nhất trong mạng lưới năng lượng tâm linh của chúng ta. Không nên nhầm lẫn chúng với hệ thần kinh của chúng ta, mặc dù được liên kết với nó một cách chặt chẽ. Khoa học ngày nay thừa nhận rằng con người chỉ sử dụng một phần năng lực não bộ của mình. Tuy nhiên, trong yoga truyền thống các bài tập thở và thiền định (Kriya Yoga) được biết là kích thích và đánh thức năng lượng, và thông qua các dòng năng lượng của nó (Mặt trăng, Mặt trời, Trung tâm) đánh thức những phần không hoạt động của não bộ. Do đó, điều quan trọng là sử dụng một tư thế thiền định hiệu quả – nó đảm bảo rằng năng lượng được tạo ra trong lúc thiền định, được hướng vào các lộ trình thích hợp của nó, và chính điều đó đang diễn ra một sự phát triển hài hòa của ý thức.

SỰ KHỎE MẠNH CÓ TỐT HƠN BẰNG VIỆC NGỒI YÊN?

Theo cuộc nghiên cứu y học diễn ra vào năm 1975 dưới sự chỉ đạo của bác sĩ người Ấn Độ – Giáo sư Salgar. Nhóm nghiên cứu của bà đã so sánh một nhóm người, hàng ngày ngồi trong tư thế Hoa Sen trong khoảng thời gian sáu tháng (không sử dụng bất kỳ loại thiền định hay kỹ thuật thư giãn bổ sung nào), với một nhóm khác trong cùng một thời gian tương tự, thực hiện theo một chương trình tập luyện thể chất truyền thống bằng cách nâng tạ, kéo dây kéo lò xo..vv. Một nhóm người thứ ba, những người không thực hiện bất kỳ hoạt động nào như vậy, nhằm tạo thành nhóm để đối chứng.

Các nhà nghiên cứu đã xác định cho một điều rằng, trong tư thế Hoa Sen ôxy trong cơ thể đã được sử dụng tốt hơn. Trước và sau khoảng thời gian sáu tháng, tất cả những người tham gia đều được tiếp xúc với bài kiểm tra thể lực. Như người ta dự đoán, nhóm tập luyện thể dục thể chất đạt được năng lực cải thiện rõ rệt; nhưng cũng thật đáng ngạc nhiên với nhóm người chỉ ngồi trong tư thế Hoa Sen.

Dưới sự tập luyện nặng nhọc, đòi hỏi sức mạnh cơ bắp đáng kể, nhóm tập thể dục thể chất cho thấy kết quả tốt nhất. Tuy nhiên, dưới sự căng thẳng bình thường, nhóm thực hiện tư thế Hoa sen đã vượt qua nhóm thể dục thể chất. Mặc dù thực sự không có sự gia tăng cơ bắp, những người thực hiện tư thế Hoa Sen có thể sử dụng hiệu quả sức lực của họ tốt hơn. Nhóm để đối chứng cho thấy không có thay đổi gì.

Với những phát hiện của mình, Giáo sư Salgar đã có thể chứng minh rằng, chỉ đơn thuần ngồi trong tư thế Hoa Sen có ảnh hưởng tích cực đến quá trình trao đổi chất và thể lực toàn bộ cơ thể được cải thiện đáng kể.

ĐIỀU GÌ ĐÃ MANG LẠI NHỮNG THAY ĐỔI NHƯ VẬY?

Dĩ nhiên, để đặt cơ thể ở một vị trí bất thường như vậy không phải là điều ngẫu nhiên, và nó cho thấy rằng các yogi thời xa xưa đã sở hữu kiến ​​thức chính xác về các hoạt động trong cơ thể, mặc dù họ không sử dụng thuật ngữ hiện đại của kiến thức y khoa.

Khi bắt chéo chân theo cách này, lượng máu cung cấp cho chân bị giảm và được chuyển đến vùng bụng. Điều này làm tăng lưu lượng máu ở vùng bụng có lợi cho các cơ quan bên trong và cải thiện hệ tiêu hóa. Nó có thể được khuyến nghị cho những người bị các chứng rối loạn thần kinh, rằng họ nên ngồi trong tư thế Hoa Sen. Hơn nữa, các dây thần kinh bắt nguồn từ xương cụt và xương cùng cũng bị ảnh hưởng. Những dây thần kinh này phục vụ toàn bộ vùng bụng, ruột và bộ phận sinh dục.

Thông qua tư thế đặc biệt của hai chân, các kênh năng lượng (Nadi), các đường dẫn năng lượng tinh tế cũng được kích hoạt . Từ quan điểm của thuật Châm Cứu, (khi họ cũng thực hiện với các đường dẫn năng lượng và gọi đó là các đường Kinh mạch, người ta đã mô tả cách mà tư thế Hoa Sen tác động đến: Dạ dày, Túi mật, Lá lách, Thận, Gan, các Kinh mạch, chính điều này lại tác động đến các bộ phận cơ thể và các cơ quan khác.

Việc sử dụng tư thế Hoa Sen làm phương tiện nhằm mang lại một loạt các tác dụng chữa bệnh và cải thiện sức khỏe, khi năng lượng của cơ thể được hài hòa một cách cơ bản. Tuy nhiên, mục đích thực sự của tư thế, nó hướng đến mục đích xa hơn – như một sự hỗ trợ cho sự tập trung tâm trí.

Đối với một số người, thật dễ dàng để học cách áp dụng tư thế Hoa Sen – ví dụ: Trẻ em làm điều đó một cách tự nhiên trong khi chúng chơi – trong khi những người khác cần thực hành nhiều hơn. Đừng cố ép cơ thể vào tư thế, như với bất kỳ tư thế yoga nào, cơ thể cần có thời gian để quen dần với nó – hông, chân, khớp gối và khớp bàn chân phải được chuẩn bị và làm mềm dẻo một cách có phương pháp.

Đừng sửng sốt nếu một ngày nào đó, từ trên đùi mình hai lòng bàn chân bạn đang mỉm cười với bạn.

KHÔNG CHỈ CÓ Ở ẤN ĐỘ

Điều ai cũng biết là việc áp dụng tư thế Hoa Sen trong yoga truyền thống Ấn Độ và ở Viễn Đông có từ rất lâu. Có lẽ không phải ai cũng biết rằng, các tác phẩm điêu khắc và chạm khắc bằng đá về tư thế Hoa Sen và các tư thế khác đã được tìm thấy trong các nền văn hóa cổ đại của Ai Cập, Mexico, Colombia và Scandinavia. Tác phẩm điêu khắc bằng đồng trên bức tranh H1 có nguồn gốc từ Xen-Tơ (Celtic), hay là một trong hai phần giống hệt nhau của tay cầm một cái thùng được tìm thấy trên con tàu Viking Oseberg trong vịnh Oslo ở Na Uy. Hình H2 là từ văn hóa Cimbaya của Columbia.

Người ta biết rất ít về loại thiền định được sử dụng trong các nền văn hóa tiền Columbus và ở phương Bắc. Truyền thống trong những nền văn hóa này và các nền văn hóa khác ít được tiếp cận hơn so với truyền thống sinh hoạt của Ấn Độ và Trung Quốc. Tuy nhiên, không còn nghi ngờ gì nữa, việc áp dụng thiền định đã từng xuất hiện trên khắp thế giới. Suốt hơn 30 năm nghiên cứu, Swami Janakananda đã phát hiện ra bằng chứng bất ngờ có niên đại lên tới 5000 năm, về việc áp dụng yoga và thiền định ở Trung và Nam Mỹ. Công trình của ông cho thấy một cách rõ ràng rằng, yoga không cần phải gắn liền với một thần thoại hay tôn giáo cụ thể nào. Đó là những giáo huấn về trí tuệ và môn khoa học của riêng nó.

 

Tác giả: Joachim Rodenbeck – Tổng hợp: Thang Mlod

Hãy để lại bình luận của bạn