14/01/2021

Raja Yoga

Raja Yoga được chia ra làm tám giai đọan. Giai đoạn thứ nhất là Yama(ngũ giới) – không sát sinh, không nói dối, không trộm cắp, không tà dâm, không thọ lãnh lễ vật. Kế đến là Niyama(ngũ hạnh): Thanh khiết, an vui, khổ hạnh, nghiên cứu và hiến thân cho Thượng đế. Rồi đến Asana là tư thế thể xác; Pranayama hay là điều khiển Prana(tiên thiên khí); Pratyahara hay là câu thúc các giác quan tách khỏi đối tượng của chúng; Dharana hay là chủ định tinh thần vào một điểm; Dhyana hay là tham thiền và Samadhi(nhập định) hay là siêu ý thức.

Yama và Niyama là những giới luật đạo đức; không có căn bản này thì sự thực hành Yoga không khi nào thành công được. Một khi giới luật này đã vững chắc thì nhà Yogi bắt đầu thâu hoạch kết quả công phu tập luyện của mình, nếu thiếu chúng thì dầu tu tập bao lâu cũng không có kết quả. Nhà Yogi không nên nghĩ đến việc làm hại ai cả, dầu bằng tư tưởng, lời nói hay việc làm. Lòng từ bi không phải chỉ đối với nhân loại thôi, nhưng phải vượt qua khỏi giới hạn đó và bao trùm cả vạn vật.

Giai đoạn kế là Asana. Hành giả mỗi ngày phải chịu khó tập qua một loạt cử động về thể xác và tinh thần cho đến lúc đạt đến ít nhiều trạng thái cao siêu hơn. Vì lẽ đó cần phải tìm ra cách ngồi nào mà hành giả giữ được lâu hơn. Các dòng khí lực phải được di chuyển và hướng dẫn vào một khí đạo mới. Nhiều loại rung động mới sẽ phát sanh, có thể nói là toàn cả thể chất sẽ được cải tạo. Nhưng phần cốt yếu của sự hoạt động vốn nằm dọc theo xương sống, do đó điều cần thiết duy nhất cho tư thế là làm sao giữ cho xương sống được tự do thong thả, tức là phải ngồi thẳng lưng, giữ làm sao cho ba bộ phận đầu, cổ, ngực – đứng ngay thẳng một đường. Hãy để cho bộ xương sườn chịu đựng chọn vẹn sức nặng của thân thể.

Giai đoạn này của Raja Yoga hơi giống Hatha Yoga là loại Yoga chỉ chăm lo đến thể xác, mục đích chính của nó là luyện cho thân thể thật cường tráng. Ở đây, chúng ta không cần phải lưu tâm đến nó vì những lối tập luyện của nó rất khó khăn và không thể học xong trong một ngày, một buổi và kết cục nó cũng không dẫn dắt chúng ta đến sự mở mang tâm linh bao nhiêu. Kết quả của ngành Yoga này là làm cho người ta sống lâu, sức khoẻ là tư tưởng cốt yếu và là mục đích duy nhất của vị Hatha Yogi. Người quyết định không đau ốm và thực sự không khi nào người đau ốm. Người sống rất lâu; một trăm năm đối với người không có nghĩa lý gì, đến lúc 150 tuổi người vẫn còn tươi trẻ, không có một sợi tóc bạc. Nhưng chỉ có bấy nhiêu thôi. Một cây đa có khi sống đến 5000 năm, nhưng nó vẫn là một cây đa, không hơn không kém. Vì thế, nếu một người sống được lâu dài thì cũng vẫn chỉ là một con thú mạnh khoẻ vậy thôi.

Có nhiều chướng ngại trong việc thực hành. Chướng ngại thứ nhất là một thể xác không được khoẻ mạnh. Vì thế, chúng ta cần phải giữ cho thân thể kiện khang, phải chăm lo đến thức ăn, thức uống và việc làm của chúng ta. Chúng ta phải luôn luôn dùng nỗ lực tinh thần để giữ gìn cho thể xác khoẻ mạnh. Chỉ bao nhiêu đó là đủ rồi, ngoài ra không còn phải lo cho thể xác nữa. Chúng ta không nên quên rằng sức khoẻ chỉ là một phương tiện để đạt đến cứu cánh. Nếu sức khoẻ là cứu cánh thì chúng ta sẽ không khác gì loài thú, thú vật ít khi đau ốm.

Chướng ngại thứ nhì là tính hoài nghi. Chúng ta luôn luôn nghi ngờ những điều mà chúng ta không thấy được. Cho đến những người sáng suốt nhất trong chúng ta có khi cũng không tránh khỏi hoài nghi. Tập luyện một ít lâu, chúng ta sẽ nhận thấy đôi chút chớp nhoáng vừa đủ để chúng ta can đảm và hy vọng để đi tới nữa. Đúng như lời một nhà chú giải về triết học Yoga đã nói: “Khi chúng ta đã đạt đến một bằng chứng, dầu nhỏ đến đâu đi nữa thì nó cũng đem lại cho chúng ta lòng tin tưởng đối với trọn cả giáo lý Yoga”.

Trở lại luận đề của chúng ta. Giai đoạn kế tiếp của Raja Yoga là Pranayama, thuật điều khiển hô hấp. Điều này có quan hệ gì đối với sự tập trung các năng lực tinh thần? Hô hấp cũng giống như là bánh xe tiết động của guồng máy thân thể này. Trong cơ thể chúng ta, hô hấp là sợi chỉ tơ, nếu chúng ta nắm chắc lấy nó và học cách điều khiển nó thì chúng ta sẽ nắm được sợi chỉ vải là những dòng thần kinh lực và rồi đến sợi nhợ là những tư tưởng của chúng ta, rồi sau cùng đến sợi dây luộc là Prana, tiên thiên khí. Khi điều khiển được Prana thì chúng ta đạt đến tự do. Chúng ta phải làm chủ cho được cái gì đang huy động toàn bộ cơ thể. Đó là Prana, tiên thiên khí mà biểu hiện hiển nhiên nhất là hơi thở, chúng ta sẽ chầm chậm đi vào trong cơ thể, nhờ đó chúng ta sẽ tìm hiểu được những năng lực tinh vi, tức là những dòng thần kinh lực chạy cùng khắp châu thân. Vừa khi chúng ta tri giác được chúng và tập cảm biết chúng thì chúng ta đã bắt đầu điều khiển được chúng và chế ngự luôn cả cơ thể, tinh thần chúng ta cũng do các dòng thần kinh lực đó chuyển động, cho nên sau cùng chúng ta sẽ đạt đến trạng thái hoàn toàn chế ngự được cả thể xác lẫn tinh thần, làm cho cả hai trở nên tôi tớ của chúng ta.


Tri thức là quyền lực. Chúng ta phải nắm cho được quyền lực đó.

Khi bạn vừa mới cảm biết được những dòng thần kinh lực châu lưu khắp thân thể thì sự hoài nghi của bạn sẽ tan mất, nhưng bạn cần phải khổ luyện hàng ngày mới được. Phải tập luyện ít nhất hai lần mỗi ngày vào những giờ thích hợp nhất là lúc gần sáng và lúc ban chiều. Trong lúc đêm gần hết và ngày sắp đến, hoặc lúc ngày gần tàn để nhường bước lại cho đêm, thì một trạng thái yên tĩnh tương đối tiếp liền theo đó. Thân thể của bạn trong những lúc đó cũng có khuynh hướng trở nên yên tĩnh giống như thế. Bạn phải lợi dụng trạng thái tự nhiên này và bắt đầu tập ngay trong lúc đó. Bạn nên giữ qui tắc không ăn chi hết trước khi tập xong, như thế mãnh lực của sự đói sẽ đánh gãy sự lười biếng của bạn.

Bạn hãy ngồi cho thân hình ngay thẳng và việc làm đầu tiên là gởi một làn sóng tư tưởng hiền lành cho vạn vật. Hãy lặp đi lặp lại trong tâm trí : “Xin nguyện cầu cho vạn vật được hạnh phúc – Xin nguyện cầu cho vạn vật được thanh bình – Xin nguyện cầu cho vạn vật được hưởng chân phúc”. Hãy gởi làn sóng tư tưởng đó khắp các hướng, Đông, Nam, Bắc, Tây. Càng làm như thế bạn càng cảm thấy vui sướng. Sau cùng bạn sẽ khám phá ra rằng đường lối dễ dàng nhất để được khỏe mạnh là chăm lo cho kẻ khác được mạnh khỏe và đường lối dễ dàng nhất để được hạnh phúc là làm cho kẻ khác được hạnh phúc. Sau khi đã làm như thế, thì những người nào tin nơi Thượng đế phải cầu nguyện. Không phải cầu cho được tiền bạc hoặc sức khoẻ, hoặc thiên đàng. Chỉ cầu xin cho được tri thức và ánh sáng, mọi lời cầu nguyện khác đều vị kỷ. Việc làm kế tiếp là nghĩ đến thân thể bạn, giữ cho nó được mạnh khỏe và khang kiện, nó là khí cụ tốt nhất mà bạn sẵn có. Hãy tưởng tượng nó cường tráng và rắn chắc như kim cương. Và nhờ sự trợ giúp của thể xác này bạn sẽ vượt qua biển đời. Những kẻ bạc nhược không bao giờ đạt đến tự do. Hãy vứt bỏ mọi yếu hèn. Hãy nói với thân thể bạn là nó khang kiện, hãy nói với tinh thần bạn là nó khang cường. Và hãy đặt nơi con người bạn một đức tin và hy vọng vô bờ bến.

Bây giờ chúng ta bàn đến những phương pháp luyện khí. Theo nhà Yogi bước đầu là phải điều khiển các cử động của phổi. Điều mà chúng ta muốn đạt đến là cảm biết những vận động tinh vi liên tục trong cơ thể. Tinh thần chúng ta đã được quen dùng về bên ngoài và không còn biết đến những vận động tinh tế bên trong. Nếu chúng ta bắt đầu cảm giác được chúng thì chúng ta cũng bắt đầu điều khiển chúng được. Những dòng thần kinh này châu lưu khắp nơi trong thân thể, đem sinh khí và sinh lực đến mỗi bắp thịt, nhưng chúng ta không cảm giác được chúng. Vị Yogi nói rằng chúng ta có thể học tập cảm giác được chúng. Bằng cách nào? Bằng cách nắm lấy và điều khiển cử động của phổi. Khi chúng ta đã làm được điều này trong một thời gian đầy đủ thì chúng ta có thể điều khiển những vận động tinh vi hơn. Hãy ngồi thật ngay, thân hình phải đứng thẳng. Tủy xương sống không dính liền với xương sống nhưng vẫn ở trong đó. Nếu bạn ngồi xiêu vẹo thì bạn làm rối loạn xương sống, vì thế bạn hãy để cho nó thong thả. Mỗi khi bạn ngồi xiêu vẹo và cố gắng tham thiền thì bạn làm tổn hại cho bạn vậy. Điều thứ nhì là phải nắm được sự điều khiển dây thần kinh của mình. Trung khu thần kinh điều khiển những bộ phận hô hấp cũng có một thứ tác dụng điều khiển những dây thần kinh khác, vì thế cần phải hô hấp điều hòa có tiết điệu. Lối hô hấp của chúng ta thông dụng không đáng gọi là hô hấp chút nào vì nó không đều đặn.

Bài học thứ nhất chỉ là thở vào và thở ra một cách đều đặn cân phân để điều hòa hệ thống hô hấp. Khi bạn đã luyện thở như thế được ít lâu, bạn nên niệm theo hơi thở một thánh ngữ như OM, hoặc một câu châm ngôn nào khác. Hãy để cho tiếng bạn niệm đi vào và ra cùng chùng với hơi thở một cách nhịp nhàng, điều hòa rồi bạn sẽ thấy toàn thân trở nên nhịp nhàng. Rồi bạn sẽ học biết nghỉ ngơi là gì? Nếu đem so sánh, thì giấc ngủ chưa phải là yên nghỉ. Một khi sự yên nghỉ này đã đến thì những dây thần kinh mòn mỏi nhất sẽ được yên tĩnh trở lại và bạn sẽ nhận thấy rằng từ trước tới nay, bạn chưa từng biết yên nghỉ thật sự bao giờ.

Kết quả đầu tiên của công phu tập luyện này hiện rõ trong sự thay đổi sắc mặt. Những nét khắc khổ biến mất; sự yên tĩnh của tư tưởng đã phủ lên diện mạo một thần sắc yên tĩnh. Kế đó giọng nói trở nên trong và ấm. Những dấu hiệu này được phát hiện sau vài tháng luyện tập.

Các vị Yogi chủ trương rằng trong tất cả khí lực chứa trong thân thể con người, khí lực cao siêu hơn hết là thứ khí lực mà họ gọi là Ojas(nguyên khí). Ojas này tích trữ trong bộ óc và Ojas càng chứa được nhiều trong đầu óc một người nào thì người đó càng có nhiều năng lực, càng thông minh và mạnh mẽ thêm về tâm linh. Trong mỗi người đều có chất chứa Ojas này, nhiều hoặc ít. Tất cả sinh lực hoạt động trong cơ thể khi đạt đến mức tối cao của chúng thì trở thành Ojas. Bạn nên nhớ rằng đó chỉ là một vấn đề biến đổi. Cùng một năng lực bên ngoài hoạt động như điện lực hoặc từ lực sẽ được biến thành khí lực bên trong. Cùng một năng lực hoạt động như khí lực trong bắp thịt sẽ được biến đổi thành Ojas. Nhà Yogi nói rằng phần khí lực của con người được biểu hiện như là hành động về tính dục và tư tưởng về tính dục, một khi được chế ngự và điều khiển thì rất dễ biến thành Ojas. Chỉ có người đàn ông và đàn bà trinh khiết mới có thể luyện cho Ojas đi lên và chứa nó trong bộ óc. Chính vì thế mà trinh khiết được xem như là đức hạnh tối cao. Con người cảm biết nếu mình không trinh khiết thì tâm linh tính sẽ tán thất, khí lực tinh thần và đạo đức sẽ tiêu tan. Cần phải có một sự trinh khiết hoàn toàn trong tư tưởng, lời nói và việc làm, bằng không thì sự tập luyện Raja Yoga rất nguy hiểm và có thể đưa đến sự điên cuồng. Nếu người ta tu luyện Raja Yoga và đồng thời sống một cuộc đời không trong sạch thì làm sao mong mỏi trở nên nhà Yogi được?

Giai đoạn kế đó gọi là Pratyahara. Pratyahara là gì? bạn đã biết tri giác phát hiện như thế nào. Trước hết có những khí cụ bên ngoài, rồi đến những khí cụ bên trong hoạt động trong cơ thể qua các trung khu của bộ óc, và sau cùng có tinh thần. Khi toàn bộ trên đây cùng chăm chú vào một vật nào ở ngoại giới, thì chúng ta tri giác vật đó. Thật khó mà tập trung tinh thần và chú định nó vào một khí quan duy nhất cùng trong một lúc vì tinh thần vốn quen tính nô lệ rồi. Tất cả hành động bên ngoài và bên trong đều phát sinh mỗi khi tinh thần tự liên hợp với những trung khu gọi là khí quan. Dầu muốn, dầu không nó cũng bị lôi cuốn tự liên hợp với khí quan và chính vì đó mà con người mới có những hành động điên rồ để rồi cảm thấy mình khốn khổ. Nếu họ làm chủ được tinh thần thì họ đã không bao giờ làm như thế. Vậy thì kết quả của sự điều khiển tinh thần sẽ ra sao? Tinh thần sẽ không còn tự nó liên hợp với những trung khu tri giác được, và dĩ nhiên là cảm tưởng và ý muốn sẽ bị chế ngự, tới đây thì rõ ràng lắm. Nhưng có thể làm được như thế không? Chắc chắn là được. Bạn cũng còn thấy việc đó được thực hiện ngay trong thời đại tân tiến này. Những kẻ trị bệnh bằng đức tin chỉ dạy bệnh nhân phủ nhận sự khốn khổ, đau đớn và hung ác. Triết lý của họ hơi luẩn quẩn, nhưng đó là một thành phần của Yoga mà họ ngẫu nhiên tìm thấy. Khi họ thành công trong việc chữa một người nào hết bệnh bằng cách phủ nhận sự đau khổ, họ thực ra đã vận dụng một phần Pratyahara, vì họ đã làm cho tinh thần người đó đủ nghị lực để không quan tâm đến ghi nhận của giác quan. Tương tự như thế, nhà thôi miên dùng ám thị để tạm thời gây ra nơi người bị thôi miên một trạng thái Pratyahara bạc nhược. Điều mà người ta gọi là ám thị thôi miên chỉ có ảnh hưởng đối với một tinh thần suy nhược và nhà thôi miên bằng cách chú thị hay cách nào khác, trước tiên phải đưa tinh thần của đương sự vào một trạng thái thụ động, suy nhược bằng không thì những ám thị của y không bao giờ có hiệu quả. Sự chế ngự tạm thời các trung khu của con bệnh bởi nhà thôi miên hoặc bởi nhà chữa bệnh bằng đức tin là một điều đáng khiển trách vì sau cùng nó dẫn dắt đến tình trạng suy đồi, thực sự đó không phải là điều khiển các trung khu của bộ óc bởi chính ý lực của đương sự nhưng chỉ là làm choáng váng tinh thần bệnh nhân trong một lúc bằng những miếng đòn bất thần của ý chí một người khác. Mỗi lần làm như thế, người làm vật thí nghiệm mất bớt một phần khí lực tinh thần cho đến ruốt cuộc thì tinh thần thay vì thâu được năng lực hoàn toàn tự chủ, sẽ trở thành một khối vô hình vô lực và nơi cuối cùng dành cho nạn nhân chỉ có thể là nhà thương điên.

Mọi mưu toan chế phục nào không do tự ý muốn hoặc không do chính tinh thần của đương sự định đoạt, chẳng những sẽ tai hại mà còn phá vỡ mục đích đã trù định nữa. Mục tiêu của mỗi linh hồn là tự do, tự chủ – Tự do thoát khỏi tình trạng nô lệ của vật chất và tư tưởng, làm chủ ngoại cảnh và nội tâm. Vì thế mà bạn phải thận trọng về cách thức mà bạn để cho kẻ khác ảnh hưởng đến bạn. Bạn cũng nên coi chừng đừng vô tình đưa người khác đến chỗ suy đồi. Kẻ nào yêu cầu người khác tin tưởng một cách mù quáng hoặc lôi kéo quần chúng bằng năng lực chế ngự của ý chí mãnh liệt của mình, kẻ đó đã gây tai hại cho nhân loại, dầu y không có ác ý đó. Vì thế bạn hãy dùng chính tinh thần của bạn, hãy tự điều khiển thể xác và tinh thần, bạn nên nhớ là trừ phi bạn là một người bệnh hoạn, không có một ý chí bên ngoài nào có thể ảnh hưởng đến bạn. Bạn hãy tránh xa kẻ nào, dầu là bậc vĩ nhân hay hảo tâm đến đâu cũng mặc, yêu cầu bạn tin tưởng một cách mù quáng.

Kẻ nào đã thành công trong việc tùy ý liên hợp tinh thần của mình với các trung khu hoặc tách rời nó ra, kẻ đó đã thành công trong Pratyahara. Chữ Pratyahara có nghĩa là “gom về” kiềm hãm năng lực biểu lộ của tinh thần và giải thoát nó khỏi tình trạng nô lệ của giác quan. Khi chúng ta làm được như thế thì chúng ta thực sự có phẩm cách. Và như thế chúng ta bước một bước dài về hướng tự do. Chưa được như thế chúng ta chỉ là những bộ máy.

Quả thật khó mà chế ngự tinh thần! Người ta đã so sánh nó rất đúng với con khỉ điên. Có một con khỉ nọ vốn đã có tính hiếu động như tất cả loài khỉ. Dường như bao nhiêu đó chưa đủ nên có người cho nó uống rất nhiều rượu, khiến nó càng thêm hiếu động. Rồi một con bò cạp lại chích nó. Khi một người nào bị bò cạp chích thì y nhảy nhót tối ngày. Vì thế, con khỉ đó ở trong một tình trạng tệ hại hơn lúc nào hết. Để hoàn tất nỗi khổ của nó, một con quỉ lại nhập vào nó. Thế thì ngôn ngữ nào có thể diễn tả sự hiếu động cuồng loạn của con khỉ đó? Tinh thần con người cũng giống như con khỉ này vậy, luôn luôn hoạt động không ngừng do bản tính thiên nhiên của nó. Rồi nó còn say rượu dục vọng làm gia tăng sự náo loạn của nó, sau khi dục vọng đã chiếm lấy nó, lại đến cái chích của con bò cạp ganh tỵ sự thành công của kẻ khác, sau cùng thì một con quỉ kiêu ngạo lại nhập vào nó, làm nó tưởng mình là tối quan trọng. Thật là khó mà chế ngự một tinh thần như thế!

Bởi vậy, bài học thứ nhất là ngồi yên trong một thời gian và để mặc cho tinh thần chạy nhảy. Tinh thần thường sôi động không ngớt. Nó giống như con khỉ nhảy nhót lăng xăng. Bạn hãy để con khỉ đó nhảy nhót bao nhiêu tuỳ thích, bạn chỉ cần chờ đợi và quan sát. Tri thức là quyền lực, một ngạn ngữ nói, và qủa thật đúng như thế. Bạn không thể chế ngự được tinh thần trừ phi bạn biết nó đang làm gì. Hãy buông cương cho nó. Nhiều tư tưởng gớm giếc có lẽ sẽ hiện ra, bạn sẽ ngạc nhiên vì sao bạn lại có thể có những tư tưởng như thế. Nhưng bạn sẽ nhận thấy rằng mỗi ngày qua đi thì sự biến đổi bất thường của tinh thần càng bớt mãnh liệt, và tinh thần sẽ trở nên yên tĩnh hơn. Trong ít tháng đầu bạn sẽ thấy tinh thần có vô số những tư tưởng, sau đó bạn sẽ thấy chúng giảm bớt và qua vài tháng thì chúng còn giảm bớt hơn nữa cho đến sau cùng thì tinh thần sẽ bị chế ngự hoàn toàn. Nhưng bạn cần phải kiên nhẫn luyện tập hàng ngày. Một khi người ta mở hơi nước ra thì máy phải phát động, và một khi sự vật đã hiện trước mắt chúng ta thì tất nhiên chúng ta phải tri giác. Vì thế một người muốn tỏ ra mình không phải là một bộ máy tất nhiên phải chứng minh rằng mình không bị quyền lực nào chế ngự. Chế ngự tinh thần và không cho nó liên hợp với các trung khu là Pratyahara. Nhưng phải tập luyện cách nào? Đó là một công việc to tát phi thường, không phải trong một ngày có thể làm xong được, chúng ta chỉ có thể thành công sau nhiều năm kiên nhẫn và liên tục chiến đấu.

Sau khi bạn đã tập luyện Pratyahara trong một thời gian, bạn hãy bước sang giai đoạn kế tiếp là Dharana, là phép chú định tinh thần vào những điểm nhất định. Chú định tinh thần vào những điểm nhất định là sao? Là bắt buộc tinh thần chỉ cảm biết một vài bộ phận trong cơ thể và loại trừ những bộ phận khác ra. Thí như cố gắng cảm biết chỉ một tay thôi, loại trừ những bộ phận khác của thân thể. Khi Chitta tức là tố chất của tinh thần, được thâu hẹp và giới hạn ở một nơi nào, đó tức là Dharana. Dharana này chia ra làm nhiều thứ và cùng với nó tốt hơn là nên thêm vào đôi chút tưởng tượng. Thí như, tinh thần phải tưởng đến một điểm nào đó ở trong trái tim. Việc đó rất khó, có một cách dễ dàng hơn là ta hãy tưởng tượng một hoa sen ngay điểm đó. Hoa sen đó đầy ánh sáng, một ánh sáng rực rỡ. Rồi ta mới chú định tinh thần vào đó. Hoặc ta có thể tưởng tượng hoa sen ở trong bộ óc và thấy nó sáng rực. Nhà Yogi phải luyện tập luôn luôn, người phải cố gắng sống đơn độc. Giao du với nhiều hạng người tính khí khác nhau sẽ làm cho tinh thần sao lãng. Người không nên nói nhiều, vì nói làm cho tinh thần sao lãng. Thật khó mà điều khiển tinh thần sau một ngày làm việc nặng nhọc. Kẻ nào giữ đúng những nguyên tắc trên đây sẽ trở nên một nhà Yogi.

Yoga có nhiều quyền lực cho đến đỗi chỉ thực hành được một chút nào cũng sẽ đem lại một lợi ích to tát. Nó không làm hại ai mà sẽ lợi ích cho mọi người. Trước hết nó sẽ làm êm dịu sự kích thích thần kinh, đem lại sự yên tĩnh giúp chúng ta nhận thấy sự vật rõ ràng hơn. Tính tình trở nên tốt hơn và sức khoẻ cũng thế.

Khi người ta mới bắt đầu tập trung, thì tiếng một cây kim rơi cũng vang dội vào đầu óc không khác nào tiếng sét đánh. Các khí quan càng trở nên tinh vi thì tri giác càng thêm tinh tế. Đó là những giai đoạn mà chúng ta phải đi qua và tất cả những ai bền chí ắt sẽ thành công. Hãy từ bỏ mọi biện luận và tất cả mối phóng tâm khác. Có gì ích lợi trong lý luận tri thức khô khan? Nó chỉ làm tinh thần mất quân bình và rối loạn. Có nhiều sự việc ở trình độ tinh vi hơn cần được thực hiện. Lời nói suông có thể làm việc đó chăng? Vì thế ta phải từ bỏ mọi chuyện trò vô ích. Chỉ nên đọc những sách do những người đã giác ngộ viết ra thôi.

Những ai thực tâm muốn trở nên nhà Yogi cần phải nhất định từ bỏ lối gặm nhấm sự vật như thế. Bạn hãy chọn lấy một quan niệm. Bạn hãy làm cho quan niệm đó thành đời sống của bạn; hãy tưởng đến nó, hãy mơ mộng nó, hãy sống với nó. Hãy để cho đầu óc, bắp thịt, gân cốt, mọi bộ phận của cơ thể bạn tràn ngập quan niệm đó và dẹp qua một bên mọi quan niệm khác. Đó là con đường dẫn đến thành công, và đó là con đường đã tạo ra những bậc đạo đức siêu phàm.

Tất cả các giai đoạn khác nhau của Yoga đều có mục đích dẫn dắt chúng ta một cách khoa học đến trạng thái siêu ý thức hay Samadhi (nhập định).

Linh cảm vẫn ở trong bản chất con người, vẫn phong phú như hồi thuở các vị tiên tri xưa. Những vị tiên tri đó không phải là độc nhất, họ cũng là người như bạn và tôi. Họ là những nhà Yogi đạo đức cao cả. Họ đã đạt đến trạng thái siêu ý thức đó, và bạn cùng tôi đều có thể làm như thế. Chính sự kiện một người đã đạt đến trạng thái đó chứng tỏ rằng mọi người đều có thể làm được như thế. Chẳng những là có thể thôi, nhưng mỗi người còn cần phải đạt đến trạng thái đó – và đó mới là tôn giáo.

Chúng ta đã xem thoáng qua các giai đoạn của Raja Yoga, ngoại trừ những giai đoạn tinh vi về huấn luyện tập trung là mục đích mà Raja Yoga sẽ dắt chúng ta đi đến.

Với tư cách con người, chúng ta nhận thấy rằng trọn cả tri thức mà chúng ta cho là hợp lý có liên quan đến ý thức. Ý thức của tôi về cái bàn này và sự hiện diện của bạn cho tôi biết cái bàn và bạn đang ở đây. Đồng thời, có một phần lớn về đời sống của tôi mà tôi không có ý thức. Tất cả khí quan trong cơ thể, tất cả các bộ phận của bộ óc. Không một ai có ý thức về những thứ đó cả. Khi tôi ăn, tôi làm việc đó một cách có ý thức, nhưng khi tôi tiêu hoá thức ăn thì tôi làm việc này một cách vô ý thức. Khi thực phẩm được biến đổi thành máu, điều này được thực hiện một cách vô ý thức. Khi tất cả bộ phận của thân thể tôi được máu bồi bổ thì điều này cũng được thực hiện một cách vô ý thức. Tuy nhiên chính là tôi đã làm tất cả việc ấy, không thể nào có cả hai mươi người trong thân hình này được. Người ta có thể chứng minh rằng hầu hết mọi hành vi mà hiện giờ chúng ta cho là vô ý thức đều có thể đem trở lại trạng thái ý thức. Trái tim hiển nhiên là nhảy đập không cần có chúng ta điều khiển, không ai trong chúng ta có thể điều khiển trái tim, nó vẫn tiếp tục nhảy theo nhịp điệu của nó. Nhưng với sự tập luyện, con người có thể đặt trái tim dưới quyền điều khiển của mình, cho đến lúc nó chỉ còn nhảy đập tuỳ theo ý muốn nhảy chậm, nhảy mau hoặc gần như là ngừng hẳn. Người ta có thể điều khiển hầu hết mọi bộ phận của cơ thể. Việc này chứng tỏ điều gì? Rằng những cơ năng ngoài phạm vi ý thức của chúng ta, cũng do chúng ta điều hành, chỉ có điều là chúng ta làm việc đó một cách vô ý thức.

Như thế chúng ta thấy tinh thần con người có thể hoạt động trên hai tầng khác nhau. Trước nhất là tầng ý thức trong đó mọi hoạt động đều cùng đi chung với một cảm giác về bản ngã. Kế đó là tầng vô ý thức trong đó mọi hoạt động đều không có cảm giác về bản ngã. Phần hoạt động tinh thần mà không có cảm giác bản ngã là hoạt động vô ý thức; và phần cùng đi chung với cảm giác bản ngã là hoạt động có ý thức. Nơi động vật tiến hoá hơn hết là con người, thì thứ mà ta gọi là động tác có ý thức chiếm ưu thế hơn.

Nhưng tới đây chưa hết. Còn một tầng cao hơn nữa nơi tinh thần có thể hoạt động. Nó có thể vượt lên khỏi ý thức. Cũng như động tác vô ý thức ở một tầng thấp hơn ý thức, còn có một động tác khác ở bên trên tầng ý thức mà cũng không cùng đi chung với cảm giác bản ngã. Chỉ có cảm giác về bản ngã ở tầng giữa là tầng ý thức thôi. Khi tinh thần ở tầng cao hơn hay thấp hơn tầng giữa ấy thì không có cảm giác về cái “ta” mặc dầu tinh thần vẫn hoạt động như thường. Khi tinh thần vượt qua khỏi giới tuyến của ý thức tự giác này thì trạng thái đó được gọi là Samadhi(nhập định)hoặc siêu ý thức.

Làm thế nào chúng ta biết được một người trong trạng thái Samadhi đã không rơi vào tầng thấp hơn ý thức, đã không suy đồi thay vì tiến lên cao? Trong cả hai trường hợp, động tác đều không có xen lẫn cảm giác về bản ngã. Câu trả lời là chúng ta có thể biết được động tác nào ở hạ tầng và động tác nào ở thượng tầng nhờ nơi những tác dụng và kết quả của nó.

Khi một người ngủ mê thì y đi vào trạng thái vô ý thức, dưới tầng ý thức. Y vẫn vận chuyển cơ thể không ngừng, y vẫn thở, y có thể di động thể xác trong lúc ngủ mà không có cảm giác bản ngã nào. Y ở trong trạng thái vô ý thức và khi tỉnh dậy, y vẫn còn là một người giống hệt như trước. Tổng số tri thức mà y đã có sẵn trước khi đi ngủ vẫn còn như cũ, nó không tăng thêm chút nào hết. Cũng không đạt đến giác ngộ. Nhưng khi một người nhập định, nếu y là một người ngây ngô trước khi vào trạng thái đó, thì khi đi ra y đã là một bậc hiền triết.

Vì đâu có sự khác biệt như thế? Đối với một trạng thái thì con người khi đi ra cũng giống hệt như lúc đi vào, còn đối với trạng thái kia, con người khi trở ra thì đã giác ngộ, thành một Hiền triết, một Tiên tri, một vị Thánh. Toàn thể phẩm tính thay đổi, cuộc đời thay đổi, tâm trí sáng suốt lạ thường. Đó là hai kết quả. Kết quả đã khác nhau thì nguyên nhân tất nhiên phải khác nhau. Vì sự giác ngộ của một người sau khi suất định quá đỗi cao siêu hơn những gì mà y có thể thâu hoạch trong trạng thái vô ý thức hoặc quá đỗi cao siêu hơn những gì mà y có thể thâu hoạch bằng suy luận trong trạng thái ý thức, cho nên tất nhiên nó phải là trạng thái siêu ý thức và do đó nhập định được gọi là trạng thái siêu ý thức.

Đó là quan niệm vắn tắt về Samadhi, nhập định. Vậy sự ứng dụng của nó như thế nào? Như sau đây. Phạm vi của lý trí hay là tác dụng ý thức của tinh thần vốn hẹp hòi và có giới hạn. Lý trí của con người chỉ được hoạt động trong một vòng tròn rất nhỏ mà nó không thể vượt qua được. Mọi mưu toan để vượt ra ngoài là vô ích. Nhưng tất cả những gì mà nhân loại cho là yêu quí nhất lại nằm bên ngoài vòng lý trí đó. Tất cả những câu hỏi như có một linh hồn bất diệt không, có Thượng đế hay không, có một trí năng tối cao nào hướng dẫn vũ trụ này hay không. Đều ở trên phạm vi lý trí.

Nếu đời sống chỉ là một trò chơi ngắn ngủi, nếu vũ trụ chỉ là một phối hợp ngẫu nhiên của nguyên tử, vậy thì tôi cần gì phải làm việc thiện cho kẻ khác? Cần gì có lòng từ bi, công bình hoặc lòng trắc ẩn?

Tất cả luân lý, tất cả hành động của con người và tất cả tư tưởng của con người đều căn cứ nơi quan niệm duy nhất về lòng vị tha. Trọn cả quan niệm về đời sống con người có thể tóm tắt trong một chữ Lòng Vị Tha. Vì sao chúng ta phải có lòng vị tha? Có sự cần thiết nào, thế lực nào, quyền năng nào bắt buộc tôi phải vị tha? Bạn có thể cho bạn là duy lý, là thực dụng, nhưng nếu bạn không chỉ cho tôi thấy một lý do nào về sự thực dụng thì tôi cho bạn là phi lý. Hãy chỉ cho tôi thấy lý do vì sao tôi không nên vị kỷ. Câu giải đáp là thế giới này chỉ là một giọt nước trong biển cả vô biên, một cái khoen trong một dây xích dài vô tận. Các nhà thuyết giáo về quan niệm vị tha và giảng dạy nó cho nhân loại, đã thâu nhận nó ở nơi nào? chúng ta biết rằng quan niệm này không có sẵn trong bản năng, loài thú có bản năng nhưng không hề biết nó. Cũng không phải là lý trí, vì lý trí không biết một chút gì về quan niệm đó cả. Thế thì nó từ đâu mà đến?

Trong khi nghiên cứu lịch sử, chúng ta nhận thấy tất cả các Đại Chân Sư mà thế giới này đã từng biết đều đồng ý với nhau về một sự kiện, tất cả đều quả quyết rằng họ đã tiếp nhận những chân lý của họ từ bên trên. Chỉ có điều là phần nhiều đều không biết do từ đâu họ đã tiếp nhận những chân lý đó. Thí như có vị thì nói rằng một Thiên thần đã giáng trần với hình thức một người có cánh và nói với người : “Hãy nghe đây, hỡi người, đây là thông điệp!”. Vị khác lại nói một vị Thần với thân hình sáng chói đã hiện ra cho người thấy. Vị thứ ba lại nói người mơ thấy Tiên nhân trở về mách bảo vài điều và người ta không biết gì khác hơn nữa. Tuy nhiên có điều này giống nhau giữa họ là tất cả đều quả quyết rằng tri thức đó đã đến với họ từ cõi trên chứ không phải do năng lực lý luận của họ. Vậy khoa học Yoga dạy chúng ta như thế nào về việc đó? Nó dạy rằng các vị đó đã nói đúng khi họ quả quyết rằng trọn cả tri thức đó đã đến với họ từ bên ngoài vòng lý luận, nhưng thật sự tri thức đó xuất phát từ trong tâm hồn của họ.

Vị Yogi dạy rằng chính tinh thần có một trạng thái tồn tại cao siêu hơn, ngoài vòng lý trí, một trạng thái siêu ý thức, và khi tinh thần người nào đạt đến trạng thái cao siêu đó thì loại tri thức ngoài vòng lý trí này hiện đến cho người đó. Trạng thái vượt vòng lý trí, vượt qua bản tính thông thường của con người này có một đôi khi ngẫu nhiên mà đến cho một người không hiểu biết gì về khoa học Yoga, có thể nói là y đã gặp nó một cách bất ngờ. Khi y bất ngờ gặp nó thì thường thường diễn tả nó như là từ bên ngoài mà đến. Điều này giải thích vì sao một linh cảm hoặc tri thức siêu việt có thể vẫn giống nhau ở khắp các sứ, nhưng ở một sứ thì dường như là do một Thiên thần truyền xuống, và ở sứ khác thì lại do một vị Thần và ở sứ thứ ba thì do đấng Thượng đế. Như thế nghĩa là sao? Nó có nghĩa là chính tinh thần đã phát sinh ra tri thức đó từ trong bản chất của nó và sự tìm ra tri thức đã được giải thích tuỳ theo tín ngưỡng và giáo dục của người nhận được nó. Sự thật là các vị đó hình như đã ngẫu nhiên nhập vào trạng thái siêu ý thức này.

Nhà Yogi nói rằng có một nguy hiểm to tát trong việc ngẫu nhiên nhập vào trạng thái này. Trong nhiều trường hợp, người ta có nguy cơ bị loạn óc và bạn sẽ nhận thấy như một thông lệ là tất cả những người, dầu họ là vĩ nhân đi nữa, đã rơi bất ngờ vào trạng thái siêu ý thức này mà không hiểu rõ nó, họ đã lần mò trong bóng tối và thường thường là họ có nhiều thứ mê tín kỳ dị pha lẫn với tri thức của họ. Họ tự đặt mình trong cảnh ảo giác. Mỗi một khi nào mà một vị Tiên tri đạt đến trạng thái siêu ý thức đó bằng cách nâng cao bản tính cảm xúc của người, thì người mang về chẳng những vài chân lý mà còn thêm một phần cuồng tín và một số tin tưởng dị đoan. Đem lại cho nhân loại tai hại cũng nhiều bằng sự cao cả giáo lý của người đã đem lại lợi ích. Muốn tìm thấy đôi chút ý nghĩa trong cái khối bất thích đáng mà ta gọi là đời sống con người, chúng ta phải vượt qua lý trí. Nhưng chúng ta phải thực hành việc đó một cách khoa học, từ từ, luyện tập có qui củ và vứt bỏ mọi mê tín. Chúng ta phải nghiên cứu trạng thái siêu ý thức như nghiên cứu bất cứ khoa học nào khác. Chúng ta phải dùng lý trí làm nền tảng. Chúng ta phải theo lý trí cho đến nơi cùng tột mà nó có thể dắt chúng ta đến, và khi mà lý trí tỏ ra bất lực, thì cũng chính nó sẽ chỉ cho chúng ta con đường đi lên cõi tối thượng.

Mỗi khi bạn nghe một người nào nói : “Tôi được linh cảm” và kế đó lại nói chuyện phi lý thì bạn chớ nghe theo y. Vì sao? Bởi vì ba trạng thái bản năng, lý trí và linh cảm hoặc gọi một cách khác vô ý thức, ý thức và siêu ý thức, cả ba đều thuộc về một tinh thần duy nhất. Không phải có ba tinh thần khác nhau trong một người, nhưng là một trạng thái của tinh thần biến chuyển qua những trạng thái khác. Bản năng biến thành lý trí và lý trí biến thành ý thức siêu việt. Bởi lẽ đó không một trạng thái nào mâu thuẫn với những trạng thái khác. Linh cảm chân chính không khi nào tương phản với lý trí, nhưng mà chỉ hoàn mãn nó mà thôi. Cũng như bạn đã thấy các vị đại Tiên tri đều nói: “Tôi đến không phải để huỷ hoại mà là để hoàn mãn”, thì linh cảm cũng thế, bao giờ nó cũng đến để hoàn mãn lý trí và vẫn hoà hợp với lý trí.

Tất cả các giai đoạn khác nhau của Raja Yoga đều có mục đích dẫn dắt chúng ta một cách khoa học đến trạng thái siêu ý thức hay Samadhi(nhập định).

Kinh nghiệm là thầy duy nhất của chúng ta. Chúng ta có thể nói chuyện và lý luận suốt đời, nhưng chúng ta không bao giờ hiểu được một lời nói nào về chân lý cho đến lúc mà chính bản thân chúng ta thực nghiệm được nó.

Muốn đạt đến trạng thái siêu ý thức một cách khoa học, thì cần phải đi qua các giai đoạn Raja Yoga mà chúng tôi vừa dẫn giải. Sau Pratyahara và Dharana, chúng ta bước qua giai đoạn Dhyana, tham thiền. Một khi tinh thần đã được huấn luyện và có thể chú định vào một nơi nào ở nội tâm hay ngoại giới, thì nó lại được năng lực để tuôn chảy dường như là bằng một dòng luân lưu bất đoạn đến điểm đó. Trạng thái này gọi là Dhyana, tham thiền. Khi người ta đã tăng cường đến cực điểm năng lực tham thiền và có thể loại bỏ phần tri giác bên ngoài và chỉ tham thiền về phần bên trong, phần ý nghĩa, thì trạng thái đó gọi là nhập định. Nghĩa là nếu tinh thần lúc ban sơ có thể tập trung vào một đối tượng, kế đó lại có thể tiếp tục tập trung như thế trong một thời gian, rồi lại bằng sự tập trung liên tục, chỉ còn chú định phần bên trong của tri giác mà đối tượng là hiệu quả thì bấy giờ mọi sự vật đều khuất phục tinh thần.

Trạng thái thiền định này là trạng thái tối cao của đời sống. Khi nào mà dục vọng vẫn còn thì chưa có thể có chân hạnh phúc được. Chỉ có sự nghiên cứu sự vật một cách mặc tịnh và khách quan mới đem đến hưởng thụ và hạnh phúc chân thật. Con thú đặt hạnh phúc trong giác quan, con người trong lý trí và thần thánh trong sự mặc tịnh thiêng liêng. Chỉ có linh hồn nào đã đi tới trạng thái mặc tịnh này mới nhận thấy thế gian trở nên vô cùng tốt đẹp. Đối với người không còn dục vọng và không hoà mình vào chúng thì những biến hoá vô tận của thiên nhiên là một cảnh tuyệt mỹ và trác việt.

Sau khi trải qua những giai đoạn trên đây, tinh thần đã trở thành cường kiện và dễ điều khiển, đã có năng lực tri giác tinh vi hơn thì nó phải được dùng để tham thiền. Sự tham thiền này trước hết phải được đặt vào đối tượng hữu hình, và từ từ tiến lên những đối tượng càng ngày càng tinh tế hơn cho đến lúc nó trở thành không còn đối tượng nữa. Tinh thần cần phải được dùng trước nhất để nhận thức những nguyên nhân bên ngoài của cảm giác, kế đến những tác động bên trong, rồi đến chính sự phản ứng của nó. Một khi tinh thần đã nhận thức riêng biệt được những nguyên nhân bên ngoài của cảm giác, thì nó đã thâu hoạch được năng lực nhận thức được tất cả thực thể vật chất tinh vi, tất cả vật thể và hình thức vi diệu. Khi tinh thần nhận thức riêng biệt được những vận động bên trong thì nó sẽ chế ngự được tất cả những làn sóng tư tưởng nơi bản thân nó hoặc nơi người khác, ngay trước khi những làn sóng đó biến thành thể lực. Và khi tinh thần có thể tự mình nhận thức được sự phản ứng của chính mình, thì nhà Yogi sẽ thâu hoạch tri thức về mọi sự việc, bởi vì mọi vật hữu hình và mọi tư tưởng đều là kết quả của sự phản ứng này. Lúc đó người sẽ thấy cho đến nền tảng của tinh thần người và sẽ hoàn toàn chế phục nó.

Nhà Yogi sẽ được nhiều quyền năng, nhưng nếu người sa ngã dưới sức cám dỗ của một quyền năng nào thì con đường tiến triển của người sẽ bị ngăn lại. Đó là kết quả tai hại của sự tìm hưởng lạc thú. Nhưng nếu người đủ nghị lực để từ bỏ những quyền năng huyền diệu đó thì người sẽ đạt đến mục đích của Yoga là sự hoàn toàn ức chế những làn sóng xao động của biển tinh thần. Lúc đó thì sự vinh quang của linh hồn, không còn bị phá rối bởi những xao lãng của tinh thần hay những cử động của thể xác, sẽ sáng chói với tất cả huy hoàng của nó, và nhà Yogi sẽ nhận thấy chính mình, y nhiên như bây giờ và như mãi mãi từ trước, vốn là tinh chất của tri thức, Đấng bất sinh bất tử, Đấng thấm nhuần vạn vật. Chừng đó mọi phiền não sẽ chấm dứt, mọi đau khổ sẽ tiêu tan, những hạt giống của hành động sẽ bị thiêu huỷ và linh hồn sẽ được tự do mãi mãi.

*Swami Vivekenanda(1863 – 1902). Ông là người đầu tiên đem Yoga truyền bá sang phương Tây.

Đây là bản dịch của Nguyên Phong, một dịch giả nổi tiếng trước 1975 với nhiều tác phẩm được dịch sang tiếng Việt, những chủ đề về tôn giáo, yoga .v.v.

Nguồn: Swami Vivekananda l Theo: Thang Mlod l Ảnh từ internet

Hãy để lại bình luận của bạn