23/12/2020

Tư thế Gác chân lên tường (Viparita Kanani)

Những ngày cuối năm dù bận rộn đến mấy nhưng bạn cũng đừng quên dành cho mình một khoảng thời gian trong ngày để thư giãn, phục hồi sinh lực nha! Nếu chưa biết bắt đầu từ đâu thì tư thế Gác chân lên tường này nên là ưu tiên hàng đầu của bạn, bởi sự đơn giản mà hiệu quả cực cao của nó. Không đòi hỏi kĩ thuật cao hay cần tới nhiều dụng cụ hỗ trợ, gần như là chỉ nằm đó, gác chân và thế là sự thư giãn được thực hiện cùng với nhiều tác dụng bất ngờ khác. Bởi thế mà tư thế này đã có thời gian gây sốt cho trên thế giới đó nha bạn! Thử khám phá và thực hiện xem nó mang tới cho bạn những thay đổi tích cực thế nào nhé!

Cách thực hiện

  • Ngồi trên giường hoặc thảm tập đặt sát cạnh tường. Hai chân duỗi ra và hông phải hướng về bức tường.
  • Hạ phần thân trên xuống sàn đồng thời gác chân lên tường. Điều chỉnh cho cơ thể nằm vuông góc với tường, mông càng áp sát vào tường càng tốt, hai bắp đùi thoải mái. Hai vai sát sàn. Hai chân thẳng nhưng không gồng hai đầu gối. Hai bàn chân khép sát hoặc cách nhau bằng chiều rộng của hông.
  • Đặt hai tay xuống sàn một cách thoải mái, lòng bàn tay ngửa lên. Thư giãn hoàn toàn vai và cánh tay.
  • Hít thở nhẹ nhàng, thả lỏng đầu, cổ và xương sống xuống sàn.
  • Giữ tư thế từ 5 tới 15 phút.
  • Muốn ra khỏi tư thế thì cong hai đầu gối lại, lăn người qua bên phải, nằm nghiêng một lát cho đến khi có thể trở lại vị thế ngồi thoải mái.

Lợi ích của tư thế Gác chân lên tường

  • Tư thế này là tư thế hồi phục sức khỏe, giúp giảm căng ở đầu, cổ, hai vai
  • Cải thiện tuần hoàn máu
  • Giúp giảm stress, hạ huyết áp, trị mất ngủ, làm cho hai chân và bàn chân bớt mỏi

Lưu ý khi thực hiện tư thế

  • Chú ý giữ cho cột sống thẳng hàng, muốn vậy phải giữ đầu thẳng với lưng và hai vai thẳng với hai bắp đùi.
  • Nếu chân bị gồng lên thì thử nhích người ra xa bức tường. Nếu độ dẻo tốt hơn mới nên nằm sát tường. Hai chân và phần thân trên phải hoàn toàn do tường và sàn đỡ.
  • Có thể gác chân lên ghế, đệm dưới mông một chiếc chăn nếu nền nhà cứng.
  • Người có vấn đề ở cổ hay lưng, huyết áp thấp hay đang trong thời kỳ kinh nguyệt thì không nên thực hiện tư thế này. Người có vấn đề về mắt như tăng nhãn áp cũng nên cẩn thận khi thực hiện tư thế.

Theo sách Yoga Căn bản & Thực hành

Hãy để lại bình luận của bạn