21/12/2020

Sáng suốt trong cách lựa chọn và bảo quản thảm tập yoga

Đã là một tín đồ của yoga và muốn gắn bó với yoga lâu dài thì chúng ta không thể thiếu người bạn đồng hành đó là chiếc thảm tập. Thời gian đầu khi mới đến với yoga, Chap thậm chí còn không tập với thảm vì thấy rằng những tư thế yoga đơn giản và nhẹ nhàng, chưa cần thiết phải tìm cho mình một chiếc thảm. Sau một thời gian, khi độ khó của các tư thế tăng dần lên, Chap bắt đầu thấy sự cần thiết của thảm tập yoga là thế nào. Thế nhưng, Chap cũng chỉ “nhắm mắt nhắm mũi” mua cho được một chiếc thảm mà chẳng để ý xem nó phù hợp với mình hay không. Cho đến khi có cơ hội xài chiếc thảm tốt hơn thì Chap mới dần ý thức hơn trong việc lựa chọn thảm tập. Quả thực, vấn đề thảm tập yoga không quá quan trọng nhưng cũng cần chúng ta có những lưu tâm nhất định trong việc lựa chọn và bảo quản thảm. Bởi nhờ đó mà việc tập luyện yoga của bạn sẽ đạt được những hiệu quả tốt hơn, tránh những chấn thương không đáng có.

Vậy chúng ta nên chọn thảm tập như thế nào cho phù hợp với việc tập yoga của mình? Câu trả lời nằm ở mục đích sử dụng thảm của bạn. Mỗi người tập yoga với một mục đích khác nhau và trong những bối cảnh không giống nhau. Có bạn sẽ tập yoga tại các trung tâm, có bạn lại chỉ thích tập ở nhà. Hay cũng có người mang cả thảm tập theo những chuyến du hí của mình… Tùy từng hoàn cảnh như vậy mà chúng ta sẽ lựa chọn những tấm thảm phù hợp dựa trên khối lượng, kích thước của thảm. Những loại thảm dạng mỏng, có độ dày 1,5 – 3mm, khối lượng nhẹ dưới 2kg sẽ phù hợp cho những ai hay di chuyển. Loại thảm này có thể dễ dàng cất giữ và mang đi. Nếu tập cố định ở một nơi thì bạn nên cân nhắc đầu tư cho mình một tấm thảm đủ dày (trên 4mm), khối lượng nặng hơn. Loại thảm này có độ đàn hồi cao, thảm càng dày thì càng hỗ trợ tốt hơn cho các khớp gối, cổ tay của chúng ta trong quá trình tập.

Việc lựa chọn thảm cũng phụ thuộc vào thể loại yoga bạn đang tập. Chẳng hạn như:

Với Hatha, Yin yoga, các tư thế đều nhẹ nhàng, di chuyển chậm nên không đòi hỏi bạn cần khắt khe trong việc chọn thảm. Bạn có thể chọn lựa theo sở thích hay trình độ tập. Càng tập các tư thế khó, cần giữ thăng bằng thì càng đòi hỏi một chiếc thảm có độ bám tốt.

Ashtanga, Power yoga lại đòi hỏi nhiều thể lực, nhiều tư thế chống đẩy. Do đó, bạn cần một chiếc thảm dày cùng với độ đàn hồi tốt để bảo vệ các khớp như đầu gối, cổ tay của mình.

Vinyasa thì khiến người tập phải di chuyển liên tục trong một bài tập, Bikram yoga làm chúng ta đổ mồ hôi nhiều, như vậy bạn cần chọn thảm có bề mặt bám tốt, thảm trải bám mặt sàn giúp việc thực hiện các tư thế được an toàn, tránh trơn trượt. Ngoài ra bề mặt thảm không nên hút mồ hôi giúp thảm bền lâu và dễ vệ sinh.

Chất liệu và chất lượng thảm cũng là yếu tố quan trọng cần lưu ý khi chọn mua. Sẽ càng cần thiết hơn nếu bạn là người mẫn cảm với một số thành phần hóa học nào đó, chẳng hạn như latex (cao su hình thành từ nhựa cây chế biến ở một nhiệt độ nhất định cùng hóa chất). Trong trường hợp này, bạn cần chọn mua các loại thảm không chứa hoặc chứa rất ít latex trong đó. Các loại thảm hiện nay đều thuộc một trong hai loại chất liệu chính đó là PVC (nhựa) hay TPE (cao su thiên nhiên cùng với một số chất hóa học trong đó).

.

Thảm tập chất liệu PVC thường có giá thành rẻ, độ dày chỉ từ 3mm – 4mm, độ bám thấp, dễ trơn trượt đối với những tư thế có độ khó cao. Tuổi thọ của loại thảm này cũng không cao, chỉ từ 6 – 12 tháng thì sẽ mất đi độ đàn hồi, độ dày, dễ bong tróc và khó có thể lau sạch các vết dơ. Ngoài ra, với đặc tính làm từ PVC, thảm tập sẽ có mùi nhựa rất khó chịu, khiến cho việc hít thở trong quá trình tập luyện sẽ gặp nhiều khó khăn và ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người tập. Loại thảm này chỉ phù hợp với những người mới tập, chưa có nhiều ý thức về sự gắn bó lâu dài với yoga, các bài tập đơn giản, chưa yêu cầu kĩ thuật cao.

Thảm tập yoga chất liệu TPE là loại thảm cao cấp hơn được chế tạo từ cao su non. Thảm có tính đàn hồi cao, khả năng co giãn và chịu lực tốt, độ bám cao, tuổi thọ sử dụng lâu dài (4 – 5 năm), có thể tái sử dụng và an toàn khi tiếp xúc với da của người tập. Thảm TPE có 2 kích thước thông dụng là 173cm x 61cm và 183cm x 61cm được sản xuất đúc khuôn từng tấm với độ dày phổ biến là 4mm, 6mm, 8mm. Tùy vào chiều cao mà bạn chọn cho mình loại thảm với kích thước phù hợp. Những ai xác định tập yoga trong thời gian dài cũng nên chọn loại thảm này vì dù giá thành ban đầu hơi cao một chút nhưng lại có thể sử dụng được lâu và đảm bảo chất lượng buổi tập yoga.

Hơn nữa, một chiếc thảm yoga tốt, chất liệu an toàn với độ dày, độ đàn hồi và độ bám phù hợp là đủ cho người bạn đồng hành với mỗi chúng ta hàng ngày. Bạn sẽ không phải mua thêm những phụ kiện khác đi kèm theo thảm như khăn trải, găng tay… Tuy nhiên, nếu bạn đổ mồ hôi nhiều, khăn trải yoga sẽ giúp bạn tiện lợi trong việc vệ sinh thảm sau khi tập vì mồ hôi không thấm trực tiếp lên bề mặt thảm.

Ngoài ra, bạn cũng nên quan tâm những đặc tính sau đây của một thảm tập yoga.

Độ dày tạo ra độ êm mang lại cảm giác thoải mái cho người tập trong các tư thế mà xương và khớp bị áp lực xuống mặt sàn. Thảm êm cũng giúp bảo vệ cột sống cho bạn khi thực hiện các tư thế. Thảm càng dày, độ an toàn khi thực hiện các tư thế càng cao. Ví dụ trên một chiếc thảm mỏng, trong tư thế trăng lưỡi liềm, đầu gối của bạn có thể bị đau khi ép xuống mặt sàn. Tuy nhiên thảm có độ dày vừa phải giúp bạn cảm nhận sức hút từ mặt đất tốt hơn, cho bạn cảm giác vững hơn trong các tư thế thăng bằng.

Độ bám được quyết định bởi chất liệu thảm và kết cấu bề mặt thảm. Bề mặt thảm với cấu trúc ô khép, như bề mặt vải sẽ giúp thảm bám tốt hơn cấu trúc ô hở. Tùy từng thảm mà người tập cảm nhận độ bám ngay lập tức hay sau một thời gian tập.

Để sử dụng thảm tập lâu dài, chúng ta cũng cần vệ sinh, bảo quản thảm cho tốt. Có những loại nước làm sạch thảm chuyên dụng nhưng nếu không mua được, bạn cũng có thể dùng khăn ẩm thấm nước lau sạch, chùi các vết dơ trên bề mặt thảm. Không nên phơi trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời, để thảm khô tự nhiên với gió, sau đó mới cuộn lại cất vào túi. Đặc biệt là không được cho thảm vào máy giặt hoặc ngâm trong nước, điều này sẽ làm giảm tuổi thọ, thậm chí là hỏng thảm.

Sau khi làm sạch và để thảm khô, bạn cuộn thảm sao cho bề mặt thảm (phần bạn tập trên đó) ra phía ngoài cuộn thảm. Cách cuộn thảm này sẽ giúp thảm nằm phẳng khi trải trên bề mặt sàn ở lần tập tiếp theo. Nên cuộn tròn thảm chứ không gập vào để tránh tạo nên những nếp gấp làm cong và nhanh hỏng thảm.

Tổng hợp từ nhiều nguồn

Theo: hoitho.vn

Hãy để lại bình luận của bạn