21/12/2020

9 điều cần tránh khi tập yoga

Yoga là môn khoa học mang đến nhiều tác động tích cực cho cơ thể cũng như tâm trí của con người. Tuy nhiên, điều này sẽ bị hạn chế nếu chúng ta không tạo một điều kiện tốt cho yoga phát huy mọi lợi ích của nó. Vì vậy, trong quá trình tập luyện, các bạn lưu ý không phạm phải những điều sau đây để nhận được tối đa lợi ích mà yoga mang lại nhé!

 1.   Tránh đeo trang sức khi tập

Ngoài lý do vướng víu, các loại trang sức còn có thể ảnh hưởng tiêu cực đến dòng chảy năng lượng xung quanh cơ thể chúng ta khi tập yoga. Chưa kể đến việc chúng có thể bị méo mó, vỡ trong quá trình tập, làm giảm hay mất giá trị của chúng. Do vậy, khi tập yoga, bạn không nên đeo nhiều loại trang sức. Nếu có bất kỳ thứ gì trên người, bạn có thể tháo bỏ chúng ra và tạm thời cất đi cho tới khi tập xong.

2.   Không thoa kem dưỡng ẩm

Các loại kem dưỡng da nói chung và kem dưỡng ẩm nói riêng sẽ bít các lỗ chân lông và gây khó chịu cho chúng ta trong suốt buổi tập. Chúng thường làm tay chân bạn trơn nên rất dễ trượt ngã khi tập các tư thế cần độ bám giữa các bộ phận. Kem dưỡng ẩm không thấm nhanh cũng chính là nguyên nhân khiến bạn khó thực hiện những động tác như bắt chéo tay và nắm hai bàn tay sau lưng. Bởi vậy, trước khi bước vào buổi tập yoga, bạn không nên sử dụng bất kỳ loại kem dưỡng nào trên cơ thể. Nếu đã dùng kem từ trước đó, bạn có thể tắm qua rồi mới bắt đầu tập. Điều này vừa giúp bạn rửa sạch các loại kem trên người, vừa làm tan biến sự uể oải ở các cơ bắp, làm sạch chân lông để da tiếp nhận đầy đủ oxy.

3.   Không nên thả tóc khi tập

Nếu bạn có một mái tóc dài thì cần cố định chúng lại cho gọn gàng, không nên thả tóc ra trong quá trình tập vì điều này sẽ gây nên các bất tiện như vướng víu, bết dính hay gây nóng cho chúng ta. Bạn nên cột tóc cao lên tận đỉnh đầu bằng dây thun đơn giản, không có chi tiết hạt, móc để tránh việc khi chúng ta hiện các tư thế nằm và chạm vào chúng gây vướng, thậm chí là nguy hiểm cho đầu.

4.   Tránh tập sát nhau

Một lớp học yoga thường có nhiều người tập. Do vậy, bạn cần căn khoảng cách phù hợp với mọi người trong lớp để tránh sự va chạm, làm mất tập trung của người cùng tập. Khoảng cách quá sát nhau đôi khi còn có có thể dẫn đến chấn thương nếu bạn bất ngờ bị người khác hích phải khi đang thực hiện những động tác khó hay cần giữ thăng bằng. Một sải tay chính là khoảng cách hợp lý giữa bạn và những người cùng tập yoga trong lớp tập của bạn. Bên cạnh đó, chúng ta cũng có thể bố trí thảm tập ở các vị trí so le nhau để làm tăng khoảng cách mà vẫn tiết kiệm được diện tích của lớp tập.

5.   Không nên dùng chung thảm tập

Điều này sẽ giúp đảm bảo vệ sinh, tránh bị những bệnh ngoài da có thể gặp cho chúng ta. Thêm vào đó, thảm tập của chính mình sẽ đem lại cho bạn cảm giác riêng tư và thoải mái hơn so với việc tập trên thảm đi mượn hay dùng chung với người khác.

Hầu hết các động tác yoga đều ở tư thế nằm, quỳ, ngồi. Nếu tập lâu ngày trên mặt phẳng cứng, cơ thể bạn sẽ biểu tình bằng cảm giác đau nhức và những vết chai, tím. Thảm tập yoga tốt cần đủ dài để bạn có thể duỗi thẳng người, êm mà không bị lún để bạn có cảm giác thoải mái suốt thời gian tập và ngồi thiền.

6.    Tránh mặc trang phục quá rộng hay quá chật

Tiêu chuẩn cho trang phục tập yoga là phải tạo sự thoải mái cho người tập. Nếu trang phục của bạn quá rộng, bạn sẽ không quan sát và khó cảm nhận được tư thế của mình có chính xác hay chưa. Đồ lụng thụng, phết đất sẽ gây vướng víu cho bạn. Nếu quần áo quá chật, bạn cũng sẽ gặp nhiều khó khăn để thực hiện các động tác và cản trở khí huyết, năng lượng lưu thông trong khắp cơ thể.

Khi chọn quần áo, bạn nên tránh chọn các loại quá chật hay quá rộng như trên. Bạn có thể thử vài động tác co duỗi để xem bộ đồ có vừa với mình không trước khi quyết định chi tiền cho bộ trang phục đó. Một số người thích chọn quần áo từ chất liệu thiên nhiên như vải cotton hay vải từ sợi thô (linen chẳng hạn) vì khả năng thấm mồ hồi, thoáng. Một số khác thích chất liệu có độ co giãn lớn như lycra hay spandex vì tạo form dáng đẹp và thoải mái vận động.

7.   Không ăn no khi tập

Đừng để quá đói, vì bạn sẽ mất tập trung nếu cơn đói nổi lên và hành hạ bạn. Nhưng nếu bạn còn no thì cũng không nên tập yoga vì khi đã ăn no cảm giác buồn nôn sẽ đến với bạn thay vì sự sảng khoái khi tập những động tác chúc đầu xuống. Như những chia sẻ ở các bài trước, thời gian cho phép tập luyện yoga chính là sau khi ăn 2, 3 tiếng.

8.   Không nhai kẹo cao su và các loại kẹo bánh khi tập 

Đơn giản là vì những động tác kể cả nhẹ nhàng như hít thở với một vật trong miệng luôn tiềm ẩn nguy cơ các dị vật này chui vào khí quản hay làm bạn mắc nghẹn không thở nổi. Do đó, để tránh nguy cơ trên cũng như sự phân tán tư tưởng khi tập luyện, bạn nên nói không với những món đồ này trong buổi tập nhé!

9.    Không đi giày dép hay đeo tất khi tập

Bàn chân trần sẽ giúp tạo ma sát tốt hơn, nhờ vậy mà các động tác của bạn sẽ vững vàng hơn trên sàn tập. Điều này đảm bảo cho bạn vẻ nhanh nhẹn và linh hoạt trong nhiều tư thế khó. Năng lượng di chuyển trong cơ thể theo chiều từ đầu và xuôi xuống đất, qua các bộ phận ở dưới như lòng bàn tay, lòng bàn chân. Việc bàn chân tiếp xúc hoàn toàn với đất rất cần thiết cho sự hoàn thành vòng tuần hoàn đó. Do vậy, tốt hơn hết là bạn nên để chân trần khi tập yoga, tránh đeo giầy hay tất để tập như trong một số một thể dục, thể thao khác.

Những lưu ý nho nhỏ nhưng đôi khi chúng ta, theo thói quen hay vì một lí do nào đó mà vô tình phạm phải khiến việc tập luyện yoga không thu được trọn vẹn lợi ích như bạn mong muốn. Để tâm một chút, thay đổi thói quen một chút thì chắc chắn bạn sẽ có một buổi tập yoga tuyệt vời cho một cơ thể khỏe mạnh, tinh thần sảng khoái và một tâm hồn bình yên.

Theo: suckhoethoidai.vn

Hãy để lại bình luận của bạn