12/02/2021

Phong thái người thiền

Phong thái của mỗi người thể hiện họ là người như thế nào. Một đứa trẻ vô tư, hồn nhiên chắc hẳn lúc nào cũng muốn nhảy nhót. Một vị doanh nhân thì luôn phải có vẻ ngoài tự tin, toát lên khí chất lãnh đạo. Với người đã hành thiền lâu năm như các vị thiền sư, tự họ đã toát lên phong thái nhẹ nhàng, trung dung khiến ai tiếp xúc cũng cảm thấy ở họ tỏa ra một sự bình an bất tận. Bởi lẽ mục đích cơ bản của việc thực tập thiền đơn giản là tìm được sự an lạc trong chính tâm hồn chúng ta.

Thế nhưng, theo Chap, không phải đợi đến khi đạt đến trình độ như các vị thiền sư thì mới có được phong thái đó. Người mới bắt đầu tiếp xúc với thiền cũng cần hình thành cho mình phong thái riêng, phong thái của người thiền để hỗ trợ trước nhất là cho sự hành thiền của chính họ đạt những bước tiến dài hơn.

Người tập thiền, ngoài những khi xếp bằng ngồi tĩnh lặng, thì vẫn luôn phải giữ cho trí não của mình tập trung vào mọi việc mà mình đang làm. Để giữ được sự chú tâm đó, chúng ta không được đưa sự nóng vội vào trong công việc. Việc gì cũng từ tốn làm với một tốc độ vừa phải, đủ để chúng ta ý thức vào mỗi hành động. Một người bạn mình cũng khá chăm chỉ ngồi thiền, song ngoài thời gian ngồi thiền ra, cô bạn đó lúc nào cũng cuống quýt, tất bật với các công việc của mình. Hoạt động với một tốc độ nhanh không có nghĩa là ta hoàn toàn tập trung vào công việc đó mà theo mình, đó lại là lúc chúng ta đánh mất chánh niệm nhiều nhất.

Các bạn thấy đấy, những vị thiền sư không ai là người lúc nào cũng nhanh nhảu, làm việc này xong cho thật nhanh để chuyển sang việc khác. Họ làm các công việc một cách nhẹ nhàng, từ tốn và dồn hết tâm trí vào công việc đó. Khi họ đi, họ biết mình đang đi. Khi họ ăn, họ biết mình đang ăn. Như vậy, họ luôn giữ được chánh niệm ngay cả khi không ngồi thiền. Những người đã và đang thực tập thiền cũng nên học tập theo họ. Mỗi việc chúng ta làm chậm lại một chút và dồn tình yêu, tâm trí của mình cho công việc đó. Chúng ta sẽ cảm thấy công việc ta đang làm đáng yêu biết chừng nào và mỗi vọng tưởng dấy lên trong đầu thì ta cũng dễ dàng phát hiện và xóa bỏ ngay giống như lúc ta ngồi thiền. Sự tập trung trong chậm rãi này giúp cho cơ thể, trí não của ta không phải hoạt động nhiều, không dẫn đến mệt mỏi. Thay vào đó là tình yêu và niềm vui với công việc mình đang làm. Thực tập được như vậy, chúng ta sẽ dần hình thành được phong thái thanh thoát, nhẹ nhàng khi làm bất cứ việc gì. Từ đó, khi ngồi thiền, ta cũng cảm thấy dễ dàng tập trung hơn, tinh thần hưng phấn, không bị uể oải.

Người tập thiền cũng luôn phải giữ một phong thái vui vẻ, lạc quan, tránh những cảm xúc xấu như lo lắng, nóng giận, đố kỵ… Những cảm xúc không tốt đôi khi chỉ khiến cho tâm ta bị xao động, là cơ hội cho những suy nghĩ tiêu cực nổi lên và rất khó để chúng ta lấy lại sự tĩnh tâm khi hành thiền. Đó là vì sao mà ta luôn phải giữ trong mình những cảm xúc tích cực như vui vẻ, lạc quan, yêu thương mọi người, mọi vật, phát triển lòng từ bi. Từ những suy nghĩ tích cực ta sẽ có những hành động tích cực. Từ những hành động tích cực, ta sẽ tìm thấy sự bình an, thanh thản nơi tâm mình. Từ đó, tâm ta sẽ tĩnh lặng hơn, hỗ trợ cho việc thực tập thiền, không để loạn tưởng làm tâm ta chao đảo.

 

Thực tập phát triển những suy nghĩ lạc quan, không chấp vào những lỗi lầm của người khác, chia sẻ yêu thương đến với mọi người, đó là phong thái mà người thiền cần đạt tới bởi mục đích cơ bản của thiền, như Chap đã nói ở trên, là tìm được sự bình yên, tĩnh lặng nơi tâm mình. Nếu cứ để cho sự sân hận, lòng ghen ghét cùng những thói xấu khác nổi lên trong lòng thì làm sao ta có thể thu được những kết quả trong quá trình thiền tập cũng như tìm được sự an vui nơi tâm ta.

Vốn dĩ không phải cứ đạt đến trình độ của các thiền sư mới thì ta có được phong thái như các vị. Chúng ta có thể thực tập để có được phong thái đó ngay tại thời điểm này, thông qua từng hành động nhỏ nhất. Chỉ cần hoạt động chậm lại một chút, tập trung tâm trí của mình cho việc đó, phát triển niềm vui và tình yêu cho công việc mình đang làm, dần dần các bạn sẽ thực tập được việc giữ gìn chánh niệm, “yếu chỉ” trong việc thực tập thiền. Từ đó, ta cũng sẽ phát triển được phong thái thanh thản, nhẹ nhàng, an lạc như các vị thiền sư.

Qua những chia sẻ trên, Chap mong rằng, những ai đã và đang tập thiền sẽ chú ý nhiều hơn tới phong thái của mình, ngay cả khi không hành thiền, để sớm tiến gần tới mục đích cao cả nhưng cũng rất đỗi đơn giản mà thiền mang đến cho cuộc sống của chúng ta.

Nguồn: Chap Zen

 

Hãy để lại bình luận của bạn