Từ xa xưa các nhà hiền triết Ấn Độ đã khám phá ra 3 Gunas (tính chất), đó là: Tamas; Rajas và Sattva. Ba tính chất này có trong thực phẩm từ thiên nhiên. Điều này đã được ghi chép lại trong Ayurveda (Tri thức cuộc sống). Thực phẩm là một ảnh hưởng chức năng, chúng tác động tới con người ở cấp độ cơ thể vật chất, cảm xúc tâm trí, cũng như ở cấp độ năng lượng và tinh thần.
Tất cả thực phẩm mà chúng ta ăn vào không chỉ được chuyển hoá thành năng lượng sống cho cơ thể và các cơ quan mà còn chuyển hoá thành 3 dạng tính chất là Tamas (những tính chất đen tối, trì trệ, nặng nề, u ám), Rajas (những tinh chất đam mê, cảm xúc, mong muốn, hành động, kích thích, nỗi buồn), Sattva (những tinh chất quý báu, thánh thiện, tâm từ, tri thức, nhẹ nhàng, tinh khiết). Ba tính chất này sẽ ngấm vào các cơ quan, não bộ của chúng ta và đặc biệt ngấm vào các luân xa. Đó là lý do giải thích cho việc tại sao luân xa lại khó kiểm soát hay không ít trường hợp luân xa làm ảnh hưởng tới chính con người. Thực phẩm được chia làm 3 dạng sau:
1- Tamasic (Tamas): Bao gồm thịt, các loại nấm, rượu, thuốc lá, thực phẩm bị lên men, chẳng hạn như giấm và thức ăn thừa cũ, các chất bị ô nhiễm hoặc nấu quá chín. Thực phẩm tamasic thường là loại có mùi nồng và vị nồng, hay gia vị nhiều quá (chua quá, cay quá), thịt được gia công hay đã cũ hoặc chiên hoặc nướng, đặc biệt là các thức ăn khó tiêu và được nấu quá nhừ hay cháy khét. Người ăn nhiều tamasic thường yếu về thể trạng và sinh lý, bị trầm cảm hay có dấu hiệu bất thường về thần kinh, bệnh về tim, huyết áp, béo phì và dễ mắc nhiều bệnh nặng (ung thư). Ăn quá no cũng là tamasic. Rajasic thì kích động thần kinh còn tamasic thì theo hướng ủ rũ và bi quan.
2- Rajasic (Rajas): Thực phẩm rajasic được gọi là thực phẩm động, nó bao gồm thịt, cá, trứng các chất kích thích (cà phê, trà, sô cô la, ca cao), các hương liệu, đồ nóng (hành, tỏi…), muối.v.v. Những thực phẩm này thường kích thích hệ thần kinh, gây hưng phấn tạm thời nhưng nó cũng làm cho tâm trí mất kiểm soát, như: nóng nẩy, bồn chồn, lo âu. Nói chung người ăn nhiều rajasic sẽ bị bệnh về tim, huyết áp, các chứng rối loạn thần kinh. Các đặc tính chung của những người dùng nhiều thực phẩm rajasic thường chịu ảnh hưởng của tham, sân, si.
3- Sattvic (Sattva): Hoa quả tươi, sữa, các sản phẩm từ sữa, bơ, mật ong, các loại rau xanh hữu cơ, các loại thảo mộc, các loại đậu, các loại hạt (hạnh nhân, hạt thông, vừng, quả óc chó, hạt lanh), các loại ngũ cốc. Đây là thực phẩm thánh thiện, các thực phẩm sattvic sẽ làm cho cơ thể ta nhẹ nhàng và các luân xa sẽ hoạt động trơn tru thay vì trì trệ. Các thực phẩm này thường có vị ngọt thanh không gắt như: Bánh kem, bơ sữa bò, sữa bò, các loại rau xanh mọc dưới đất tự nhiên (không phun thuốc, không hóa chất), các mầm xanh còn sương, mía đường.v.v. Nói chung là những thực phẩm không nhiều calo, dễ tiêu hoá lại không kích thích mạnh hệ thần kinh. Người ăn nhiều thực phẩm sattvic sẽ nhẹ nhàng, không bệnh tật, sống lâu và tâm hồn thanh thản không vướng bận trong tham, sân, si.
Những nhà hiền triết xưa từng nói, bạn nắm lấy nghiệp lực của con vật mà bạn ăn vào. Khi bạn ăn thịt, bạn đang ăn tất cả các hormone căng thẳng, sợ hãi, tuyệt vọng được giải phóng lúc con vật đó bị giết. Các hormone được giải phóng khi chết hiện diện trong thịt khi bạn ăn. Vì vậy, ở cấp độ tế bào, cơ thể của bạn nhận được thông điệp rằng bạn sắp chết. Chúng ta là những gì mà chúng ta ăn vào.
Thực phẩm có tính Sattvic rất tốt cho thực hành Yoga bởi nó nhiều Prana – Năng lượng sống. Vì vậy, Ăn chay là một trong những Nguyên tắc (Principle) của Yoga. Để thực hiện một chế độ ăn chay toàn phần cho thực hành Yoga là rất khó với đa số mọi người, bởi công việc hoặc điều kiện không đủ. Điều chúng ta cần là, phải biết cân bằng một cách khoa học trong chế độ ăn uống, vì nó sẽ hỗ trợ tốt hơn trong việc tập luyện Yoga cũng như sức khỏe của bản thân. Không nên lạm dụng quá nhiều rượu, thịt cùng các chất kích thích, chúng làm tắc nghẽn, rối loạn các nguồn Năng lượng sống – Prana và tác động xấu tới các luân xa trong cơ thể của người thực hành Yoga.
Tuy nhiên, trong đời sống hàng ngày ngoài việc ăn chay thì chúng ta vẫn có nhiều cách khác nhau để tăng cường tính chất Sattva trong cơ thể mình, như:
– Thiền định.
– Tiếp xúc với các bậc Thánh Hiền.
– Đọc sách của các bậc Giác Ngộ.
– Dành nhiều thời gian với thiên nhiên.
– Giữ tâm hồn luôn trong sáng và lương thiện.
– Tụng kinh niệm Phật (tùy theo Tín ngưỡng, Tôn giáo).
– Làm nhiều việc thiện để giúp đỡ mọi người một cách không vụ lợi.
Namaste!
Nguồn: Thang Mlod