Chào các bạn ha! Không biết ở đây có bạn nào đang mang trong mình một thiên thần bé nhỏ không nhỉ? Các bạn có biết những lợi ích tuyệt vời mà yoga mang lại cho chị em phụ nữ trong giai đoạn quan trọng của cuộc đời này không? Và những lưu ý gì khi tập yoga mà các bà mẹ tương lai cần nắm được? Nếu chưa thì hôm nay, các bạn cùng Chap khám phá nhé!
Yoga có thể rất có lợi và mang tính trị liệu đối với phụ nữ mang thai. Luyện tập yoga không chỉ giúp phụ nữ chuẩn bị sinh đẻ mà còn ảnh hưởng rất tốt đến tình trạng tâm trí và cảm xúc của họ để chuẩn bị đón nhận sự thay đổi cuộc sống.
Tốt nhất là bạn nên bắt đầu tập yoga trước khi mang thai, như vậy ta mới quen với yoga và làm cho cơ thể phù hợp với việc tập yoga trước khi có những thay đổi trong thời kỳ đầu của thời kỳ mang thai.
Những cái lợi về thể chất
Yoga có thể làm giảm các bệnh về thể chất khi mang thai. Chẳng hạn như thực hiện những tư thế yoga có thể giúp giảm mệt mỏi, nôn mửa, cơn bừng nóng, chuột rút ở hai chân và sưng tĩnh mạch. Nó còn giúp duy trì dáng dấp đẹp trong thời gian mang thai và giảm đau lưng. Nhờ tập yoga nên bạn cũng có thể học được cách thở và những phương pháp thư giãn có thể dùng đến trong khi đau đẻ, giúp đối phó với sự đau đớn.
Những cái lợi về tinh thần và cảm xúc
Yoga có thể giúp xử lý bất cứ stress về mặt tinh thần hay cảm xúc nào có thể có trong thời gian mang thai và sinh đẻ. Yoga chỉ cho chúng ta cách tập trung chú ý, như vậy là giúp ta giảm các căng thẳng không đáng có trong suốt thời gian mang thai và đau đẻ.
Yoga còn giúp bạn đối phó với những thay đổi về tính khí cũng như lo âu và sợ hãi khi nghĩ đến việc sinh đẻ. Bằng cách tăng ý thức cơ thể cao độ mà yoga có thể làm tăng lòng tự tin vào khả năng cơ thể mình khi sinh con. Ngoài ra, yoga cũng có thể giúp ta khám phá ra một sự kết nối sâu đậm hơn với em bé chưa ra đời bằng cách thiền.
Lưu ý trong tập luyện Yoga trong suốt thai kỳ
Tránh những tư thế nằm ngửa
Sau 3 tháng đầu mang thai, bạn nên tránh những tư thế nằm ngửa vì chúng buộc ta phải nằm ngửa sát lưng trong một khoảng thời gian tương đối dài. Khi nằm ngửa thì sức nặng của bào thai có thể làm hạn chế việc lưu thông của máu ở phần thân dưới.
Tránh đè mạnh lên bụng
Khi đang mang thai, bạn nên tránh những tư thế buộc phải nằm sấp hay những tư thế khác phải đè mạnh lên bụng như tư thế Khom người ra phía trước hay Vặn lưng ngồi. Tuy nhiên, chúng ta cũng có thể biến đổi tư thế Khom người ra phía trước và Vặn lưng ngồi để tạo an toàn khi mang thai. Bạn cũng nên nhờ tới sự tư vấn các giáo viên yoga có chuyên môn để học những tư thế biến đổi trong thời kỳ mang thai.
Tránh duỗi cơ bắp quá mức
Suốt trong thời gian mang thai, bạn cũng cố đừng duỗi xa như thường tập. Nên tránh những tư thế liên quan đến duỗi mạnh, nhất là những tư thế làm căng cơ bụng. Khi mang thai, người phụ nữ luôn có nguy cơ căng cơ vì những hormone nới lỏng những mô kết nối trong cơ thể.
Tránh những tư thế lộn ngược khay khom lưng ra phía sau
Suốt trong thời gian mang thai, bạn cũng nên tránh những tư thế lộn ngược như Đứng bằng vai. Tuy nhiên, bạn cũng có thể nằm trên sàn, hai gan bàn chân sát tường hay hai bắp chân dựa trên một chiếc ghế, miễn sao đừng nằm ngửa trong một thời gian dài.
Những tư thế ngửa lưng ra phía sau cũng nên tránh tập trong suốt thai kỳ vì khi đang mang thai thì sức nặng tăng thêm ở phía trước cơ thể sẽ ép mạnh thêm vào cột sống và phần lưng dưới và có thể dẫn đến chấn thương.
Lắng nghe cơ thể
Nếu cảm thấy khó chịu hay căng thẳng trong khi đang thực hiện tư thế thì bạn cần ngưng việc luyện tập ngay lại. Chúng ta cũng nên cử động chầm chậm khi chuyển từ tư thế này sang tư thế khác. Một điều chắc chắn là hầu hết những tư thế sẽ phải biến đổi khi đang mang thai để phù hợp với những thay đổi của cơ thể đang phải trải qua.
Vậy là chúng ta vừa khám phá những lợi ích và lưu ý chung của việc tập yoga trong thời gian mang thai của một người phụ nữ. Mong là các chị em đang có ý định hay chuẩn bị làm mẹ đều nhận thấy được những lợi ích tuyệt vời này để sẵn sàng “xách thảm lên và tập Yoga” ngay để chào đón thiên thần của mình trong bình an trọn vẹn nhé!
Theo: Sách Yoga căn bản & thực hành