19/12/2020

Hô hấp – Một cỗ máy vi diệu

Cuộc đời mỗi người bắt đầu và kết thúc bằng một hơi thở. Trong cả cuộc đời, chúng ta không ngừng hô hấp, hít vào thở ra hằng ngày để duy trì sự sống của mình. Thế nhưng, chẳng mấy ai quan tâm tới cơ chế của nó vì cứ coi đó là điều hiển nhiên. Chính sự chủ quan này đã dẫn đến việc chúng ta hô hấp chưa đúng cách và vô tình rút ngắn quá trình sống của mình lại. Vậy hôm nay, các bạn cùng Chap khám phá cơ chế hoạt động của cỗ máy hô hấp vi diệu này và xem như thế nào mới là hít thở đúng cách, có lợi cho sức khỏe của chúng ta nhé!

Trong cả quá trình sống, con người ta cũng không bao giờ rời khỏi việc hít thở quá lâu. Trung bình, mỗi ngày, mỗi người chúng ta thở khoảng 22 ngàn lần. Sự hô hấp của chúng ta nhằm hai mục đích: Khi hít vào, nó cung cấp một số dưỡng khí đều đặn cho việc lưu thông khí huyết trong cơ thể và khi thở ra, nó lấy trong máu một số cặn bã đã cháy, gọi là thán khí, đưa ra ngoài.

Khi bạn hô hấp, sự hít vào làm căng nở phổi để có thể thu hút dưỡng khí, trong khi sự thở ra trục xuất các chất cặn bã nguy hiểm. Sự hô hấp “sâu thẳm” rất cần thiết, đến nỗi tạo hóa đã buộc chúng ta phải thỉnh thoảng thực hành ngoài ý muốn một cái ngáp mạnh hay thở dài. Như vậy, bất đắc dĩ chúng ta phải hô hấp mạnh hơn nhằm mục đích gia tăng dưỡng khí trong huyết quản của bạn.

Trong sự hô hấp bình thường, những tế bào nhỏ của phổi không có đủ sức hoạt động để bảo đảm hoàn toàn sự thay thế cần thiết về dưỡng khí và thán khí. Khi hít vào, các tế bào của phổi thu nhận không khí tươi mát nhưng lồng ngực không thể thi hành sức ép cần thiết để tống khứ hoàn toàn không khí đã nhiễm độc. Nhất là với những ai đã đứng tuổi, phổi và ngực dần dần tiến tới mức kém sức co dãn.

Hơn nữa, sự hô hấp tác động rõ rệt trong trái tim chúng ta, một yếu tố mệt nhọc nhất của cơ thể nhưng cũng ảnh hưởng lớn tới tuổi thọ của chúng ta. Tim chúng ta đập mỗi ngày 100.800 lần và trong thời gian đó, nó phải làm một khối lượng công việc khổng lồ tương đương với sự nâng lên cao 30 phân một trọng lượng 130 tấn. Thật khó tin phải không nhỉ? Ấy thế mà nó lại là sự thực đấy các bạn ạ! Máu đi khắp thân thể chúng ta trong 3 phút. Khi ta càng làm việc nặng nhọc bao nhiêu hoặc đi nhanh hay chạy thì trái tim ta cũng phải đập nhanh để lấy ở trong phổi dưỡng khí do bị đốt cháy và ta lại càng bị hao mòn, suy nhược. Vả lại, chất acid uric, một trong những cặn bã của sự tiến hóa không hoàn hảo trong cơ thể chúng ta, có thể chảy tràn vào mạch máu và gây nên rất nhiều bệnh tật, nhất là khi ta bắt đầu có tuổi như đau thận, đau đầu, nhức mỏi bắp thịt, phong thấp, chóng mặt… Nếu máu thiếu dưỡng khí thì cơ thể ta không thể loại bỏ hết các chất độc đó ra ngoài được.

May mắn là sự hô hấp có chủ tính sẽ làm gia tăng sự chống đối của cơ thể của chúng ta với quy luật trên. Thường thường hô hấp ở mỗi người diễn ra rất tự nhiên. Song, không những chúng ta cần phải biết cách hít thở sâu hơn nữa, mà cũng phải biết kỷ luật hóa, bắt sự hô hấp tự động, ngoài ý muốn đi vào khuôn phép. Và yoga sẽ huấn luyện cho ta biết hô hấp có ý thức và có phương pháp. Trong khi kỷ luật hóa sự hô hấp, chúng ta cũng có khuynh hướng kiểm soát trí não của chính mình.

Các bạn làm thế nào khi muốn nghe một tiếng động vô cùng nhỏ ở nơi nào đó xa xôi vọng tới? Lúc đó bạn sẽ ngừng thở, cúi đầu xuống, áp tai để lắng nghe cho rõ hơn phải không? Còn nếu bạn muốn vượt qua một chướng ngại vật hay dùng sức mạnh để di chuyển một đồ gỗ lớn thì sao nhỉ? Bạn có để ý ngay trước khi vận sức, bạn phải hít vào một hơi thật sâu không? Như vậy, trong mọi trường hợp, chúng ta đều kiểm soát một cách tự nhiên sự hô hấp của mình. Có lẽ không bao giờ các bạn tự hỏi tại sao lại như thế nhỉ?

Trong một Thế vận hội, vận động viên da đen, Jess Owen, đã phá nhiều kỷ lục và được hoan hô nhiệt liệt như một người giỏi nhất. Anh tiết lộ rằng trong cuộc chạy đua một trăm mét, anh đã nín thở ngay từ đầu nên đã có thể cố gắng rất mạnh mẽ để bỏ xa các địch thủ. Báo chí gọi anh là “Con quái vật hình người”. Thế nhưng, không một chuyên viên hay huấn luyện viên nào thử tìm hiểu xem tại sao Owen lại nín hơi thở?

Chỉ mãi về sau này, người ta mới biết là anh thực hành những kỹ thuật của các đạo sĩ Yoga về sự hô hấp có chủ tính. Việc nín hơi thở khi ta cố gắng làm một việc gì đó sẽ cho phép ta có một sự tập trung tư tưởng mãnh liệt hơn. Nếu ta ngừng thở, việc làm của chúng ta hoàn toàn chỉ nằm dưới sự kiểm soát của tiềm thức. Ta sẽ huy động hết tất cả mọi cường lực về tinh thần để kiểm soát những động tác cần thiết cho đến khi đạt được mục đích của mình.

Như vậy, bạn đã thấy việc kiểm soát hơi thở và sự nín thở cần thiết của chúng ta là rất quan trọng cho một cơ thể khỏe mạnh, đồng thời phát huy sức mạnh tiềm tàng trong ta đến thế nào chưa? Thường thì các môn thể dục, thể thao lại luôn khiến cho tim chúng ta đập nhanh hơn, hơi thở gấp gáp hơn và dĩ nhiên như vậy thì tim ta phải hoạt động không ngừng, hơi thở nông hơn rất nhiều. Liệu như vậy đã thực sự tốt cho sức khỏe chúng ta mà các chuyên gia trong lĩnh vực thể dục thể thao đó thường nói? Yoga thì hoàn toàn trái ngược. Yoga chỉ có những động tác kéo giãn nhẹ nhàng và những bài tập thở giúp chúng ta hít thở thật sâu và có ý thức, kết hợp nhịp nhàng hơi thở vào từng động tác, đôi lúc là sự nín thở cần thiết để ta phát huy sự tập trung tư tưởng trong mình. Tự bạn hãy cân nhắc xem điều nào là tốt hơn nhé rồi sau đó ta sẽ… tập thở.

Chap

Hãy để lại bình luận của bạn