Bạn có đang quan tâm tới bí kíp để ngồi thiền kiết già không đau chân? Nếu có thì vô đây để mình chỉ cho nhé!
Ở những bài viết được chia sẻ khá lâu trước đây, Chap đã giới thiệu tới bạn cách ngồi thiền kiết già cũng như lợi ích của tư thế ngồi thiền này. Tư thế kiết già còn có tên gọi khác là tư thế Hoa sen, bởi ta có thể hình dung được hình ảnh bông hoa sen đang nở với tư thế chân của người ngồi kiết già. Hơn nữa, hoa sen luôn nhận được năng lượng từ mặt trời, dù bị lay động nhưng cũng luôn có gốc rễ vững chắc bảo vệ. Cũng như vậy, tư thế kiết già không những khiến người ngồi cảm thấy vững vàng và thoải mái mà còn giúp chúng ta đón nhận được nhiều năng lượng tích cực từ vũ trụ.
Việc ngồi kiết già vốn không phải là điều dễ dàng cho những người trưởng thành, người cao tuổi hay có vấn đề ở hông và chân nói chung. Ngay cả người đã có thể ngồi trọn vẹn trong tư thế thì chỉ sau một khoảng thời gian, sự tê bì, đau nhức ở cơ và các khớp xương ở bàn chân, đầu gối, đùi, hông bắt đầu diễn ra. Chắc hẳn rất nhiều bạn đọc sẽ quan tâm tới cách ngồi kiết già không đau hay làm sao để có thể nhanh chóng ngồi được ở trong tư thế này.
Và… bí kíp ở đây, đơn giản lắm các bạn ạ, đó là chẳng có bí kíp nào cả ^^. Ngoài việc luyện tập dần hàng ngày thì không còn cách nào khác để bạn có thể ngồi kiết già một cách thoải mái. Nghe có thất vọng không cơ chứ, nhưng may mắn là dù không có bí kíp nào cụ thể thì bạn cũng có những bài tập hỗ trợ mở khớp vùng hông, đầu gối, mắt cá chân, giúp việc ngồi kiết già trở nên dễ dàng và kéo dài hơn thời gian ngồi trong tư thế.
Dưới đây là một số bài tập đơn giản mà hiệu quả bạn có thể thực hiện theo:
– Đầu tiên là động tác giúp kích hoạt và làm lưu thông khí huyết, kinh lạc ở chân: Bạn ngồi thoải mái, duỗi hai chân. Hai bàn tay nắm hờ và vỗ từng chân một với lực vừa phải, từ đùi tới cổ chân và ngược lại, khoảng 10 – 20 vòng.
– Tiếp theo, bạn xòe 2 bàn tay, bóp từng chân một theo một chiều từ trên đùi xuống dưới bàn chân với lực vừa phải.
– Tiếp tục, bạn vuốt khí ở chân cũng bằng 2 bàn tay với mặt trong của chân thì chúng ta vuốt từ dưới lên (từ bàn chân lên tới đùi) và mặt ngoài thì vuốt từ trên xuống, theo chiều di chuyển của kinh lạc trên chân.
– Sau đó, bạn dùng 2 bàn tay chà xát, xoa nóng hoặc vỗ lên đầu gối giúp mở dần khớp gối.
– Tới cổ chân hay mắt cá chân, bạn cũng nắm hờ tay lại, đấm nhẹ lên vị trí đó để làm thông dịch khớp ở mắt cá chân.
– Tiếp theo, bạn nắm tay chặt và đấm mạnh vào lòng bàn chân. Sau đó, bạn tìm vị trí huyệt Dũng Tuyền nằm ở điểm lõm xuất hiện ở 1/3 lòng bàn chân. Bạn để ngón tay vuông góc 90 độ, 4 ngón tay còn lại giữ chắc bàn chân rồi nhấn sâu vào huyệt Dũng Tuyền, giữ khoảng 10 giây, cảm thấy chân tê, ấm nóng lên, sau đó nhả ngón tay và day từ trái sang phải. Lặp lại 3 lần ở 2 bên chân.
– Sau khi ấn và day huyệt Dũng Tuyền, bạn duỗi chân và khép 2 chân sát lại, chống hai tay ra sau để đỡ lưng, tiếp tục mở khớp cổ chân bằng cách chĩa căng mũi chân về phía trước, rồi gập ngược lại hướng ngón chân về phía người, lặp đi lặp lại từ 10 đến 20 lần. Sau đó, mở chân rộng bằng vai, hướng mũi 2 bàn chân sang 2 bên, rồi xoay lại, hướng cho 2 mũi chân chạm nhau. Tiếp tục làm như vậy 10 – 20 lần. Tiếp theo, xoay 2 bàn chân theo hình vòng tròn, vẫn cố định đùi, đầu gối trên mặt sàn. Muốn kĩ hơn, bạn gập chân phải đặt lên đùi chân trái. Dùng tay trái nắm bàn chân phải và xoay cổ chân phải theo chiều kim đồng hồ, rồi xoay ngược lại. Thực hiện tương tự với chân còn lại.
– Mở khớp gối: Bạn co chân phải lại, hai tay đỡ lấy đùi chân phải, giữ cho vùng chân từ đầu gối đến mũi chân song song với mặt đất. Từ đây, bạn xoay cẳng chân theo chiều kim đồng hồ 10 vòng rồi xoay ngược lại. Hai tay giữ cố định đùi và đầu gối.
– Mở khớp háng: Ở tư thế ngồi với 2 chân duỗi. Chân phải bạn co lại, bàn chân đặt lên đùi chân trái. Bạn dùng tay trái giữ bàn chân phải cố định, tay phải ấn đùi và đầu gối phải xuống sàn, rồi thả lỏng tay để đùi và đầu gối tự động về vị trí cũ. Tiếp tục ấn xuống rồi thả lỏng như vậy 10 – 20 lần mỗi bên chân. Sau đó, bạn thực hiện tiếp tư thế Cánh Bướm Yoga với lưng thẳng, hai chân co lại sát về phía người, lòng bàn chân sát vào nhau, đùi và đầu gối thả lỏng trên sàn. Hay tay bạn nắm vào các ngón chân và chuyển động 2 đùi lên xuống liên tục như hình ảnh cánh bướm đang bay. Làm như vậy bạn sẽ cảm thấy khớp háng được tác động và trở nên linh hoạt dần. Thực hiện khoảng 30 giây – 1 phút. Muốn mở khớp háng sâu hơn, bạn tiếp tục giữ chặt hai bàn chân, 2 khuỷu tay hơi bành ra ngoài, giữ thẳng lưng và từ từ gập người về phía trước, hướng mặt về phía sàn. Càng gập sâu, 2 khuỷu tay sẽ càng nhấn sâu hơn xuống hai đùi giúp khớp háng mở rộng hơn. Lặp lại từ 3 đến 5 lần.
Sau khi thực hiện tất cả những động tác giúp kích hoạt lưu thông khí huyết và mở khớp trên, bạn có thể bắt đầu thực hiện tư thế ngồi kiết già. Sử dụng tọa cụ là gối ngồi thiền (còn gọi là bồ đoàn) hoặc một chiếc gối hay nệm kê cũng giúp bạn vắt chân dễ dàng hơn, hai gối chạm xuống sàn thoải mái và giữ cho lưng thẳng trong quá trình ngồi.
Vậy là chúng ta đã kết thúc quá trình khởi động giúp bạn có được sự mềm dẻo, thoải mái hơn khi ngồi trong tư thế kiết già. Như Chap đã chia sẻ ở trên, vốn dĩ không có cách nào giúp ngồi kiết già không đau mà chỉ nhờ vào sự kiên nhẫn tập luyện hàng ngày, bạn mới thu được kết quả phù hợp. Đó cũng chính là tinh thần của người bước đi trên con đường thiền tập.
Tổng hợp từ nhiều nguồn l Ảnh minh họa tự internet