Các nhà yoga cổ xưa chủ trương thực hành pranayama để kết hợp hơi thở với ý thức và như vậy là với prana hay nguồn sinh lực. Prana là năng lượng, ayama là sự tích trữ hay phân phối nguồn năng lượng này. Ayama có 3 mặt hay 3 chuyển động: sự rộng mở thẳng đứng, ngang và vòng tròn. Khi thực hành pranayama, chúng ta học cách di chuyển năng lượng theo hướng thẳng đứng, ngang và vòng tròn đến mọi ngóc ngách của cơ thể.
Hơi thở trong pranayama
Pranayama không phải là thở sâu. Thở sâu làm căng thẳng cơ mặt, khiến hộp sọ và da đầu cứng lại, làm căng lồng ngực và gây sức ép cho việc hít vào và thở ra. Điều này gây khó khăn cho các sợi phổi và ngực, cản trở việc thanh lọc trong khắp cơ thể.
Trong thực hành pranayama, các tế bào não và cơ mặt đều được giữ nguyên trạng thái mềm mại và nhạy cảm, hơi thở hít vào và thở ra đều nhẹ nhàng. Trong lúc hít vào, mỗi phân tử, mỗi thớ cơ, mỗi tế bào của cơ thể đều được cảm nhận một cách độc lập bởi ý thức và chúng được phép tiếp nhận và thấm đẫm prana. Ở đây không thể có những chuyển động bất thường, hành giả sẽ thấy sự giãn ra từ từ của cơ quan hô hấp và ý thức được hơi thở đang đi đến những ngóc ngách xa xôi nhất của buồng phổi.
Khi thở ra, hơi thở được thở ra từ từ và nhờ vậy, các tế bào không khí có đủ thời gian để tái hấp thu phần prana còn lại đến mức cho phép tối đa. Như vậy cho phép sử dụng được trọn vẹn năng lượng và thiết lập trạng thái cảm xúc ổn định, có tác dụng xoa dịu trí não.
Thực hành các asana loại bỏ các trở ngại ngăn chặn dòng chảy của khí (prana). Trong lúc thực hành pranayama, hành giả phải hoàn toàn bị thu hút bởi sự tinh tế trong sự hít vào và thở ra và tính tự nhiên của việc kiềm giữ hơi thở. Hành giả không được làm kinh động đến các cơ quan sống còn của cơ thể, đến thần kinh hoặc gây sức ép nên các tế bào não. Não chính là công cụ để kiểm soát dòng chảy đều đặn của hơi thở ra vào. Hành giả phải cảm nhận được những lần gián đoạn xuất hiện ở từng hơi thở ra hay hít vào. Hãy kiểm soát chúng và bạn sẽ có được dòng chảy prana đều đặn. Tương tự, trong lúc kiềm giữ hơi thở, hãy học cách giữ hơi thở vào cho ổn định. Nếu không có sự ổn định thì thà rằng thở ra chứ đừng gắng sức kiềm giữ nó lại. Trong một chu kỳ thở, khi hít vào và kiềm giữ hơi thở, cần nhớ không để bụng phình lên.
Mục đích cuối cùng
Khi bắt tay vào tập pranayama khi bạn đã nắm vững các thế tập asana. Cuốn Yoga Sutra 11.50 sau này đã giải thích rằng việc hít vào, thở ra và kiềm giữ hơi thở đều phải được thực hiện chính xác. Sutra bắt đầu bằng việc kiểm soát hơi thở ra và hơi thở vào. Hơi thở vào kích hoạt hệ thần kinh trung ương để thúc đẩy hoạt động của các dây thần kinh ngoại biên, hơi thở ra thúc đẩy quá trình ngược lại. Khi ta kiềm giữ hơi thở thì cả hai quá trình cùng diễn ra. Pranayama là một chu trình phức tạp bao gồm tất cả các yếu tố này. Nó cần phải được thực hành một cách nghiêm túc và độ chính xác cao. Bạn không thể đạt tới pranayama chỉ vì bạn muốn như vậy – bạn cần phải được chuẩn bị sẵn sàng cho việc đó.
Trong cách thở pranayama, trí não của hành giả hoàn toàn yên tĩnh, điều này cho phép hệ thần kinh làm việc hiệu quả hơn. Hít vào là nghệ thuật tiếp thu nguồn năng lượng nguyên thủy vào cơ thể dưới hình thức thở, và đem nguồn khí tinh túy của vũ trụ tiếp xúc với hơi thở của hành giả. Thở ra là tống khứ chất độc ra khỏi cơ thể.
Giữa thế giới vật chất và tâm linh
Pranayama còn là sự liên kết giữa các cơ quan sinh học và tâm linh của con người. Ban đầu, pranayama thật khó thực hành và đòi hỏi một nỗ lực lớn. Sự thuần thục chỉ đạt được khi hành giả không cần phải cố gắng nữa. Ngay khi cơ hoành trở thành điểm gặp của phần cơ thể sinh lý và tâm linh thì sự kiềm giữ hơi thở, hay còn gọi là kumbhaka, sẽ mô tả đúng cái cốt lõi của cơ thể hành giả. Một khi những chuyển động bên ngoài được kiểm soát thì sẽ xuất hiện sự tĩnh lặng bên trong. Khi đó, trong tâm trí hành giả không còn ý nghĩ nữa, bởi vì tâm trí đã tan biến trong chính cái tôi của họ.
Trong cuốn Hathayoga Pradipika, nhà hiền triết Svatmarama đã miêu tả chi tiết những cách thức để hành giả theo đó mà đi tới trải nghiệm trạng thái hợp nhất với cái tôi của mình thông qua việc thực hành pranayama. Do đó, thực hành pranayama không những rất khó, mà còn phải có sự chú tâm cao độ. Nếu hành giả không thể thực hành sau vài chu kỳ thở thì hãy tạm thỏa mãn với những gì có được sau 3, 4 chu kỳ thực hành chăm chú và có ý thức. Đừng vội bỏ cuộc khi thất bại và lấy đó làm bài học. Dần dần bạn sẽ học được cách kiểm soát pranayama tốt hơn.
Nguồn: Sách Yoga toàn tập – Kỹ thuật & Thực hành (B.K.S Iyengar)