“Yoga không đơn giản chỉ là những động tác uốn dẻo? Làm thế nào chúng ta có thể biến việc tập luyện yoga trở thành điều gì đó nhiều hơn là những trải nghiệm đơn thuần về thể chất?
Chúng ta cần biết những gì để tận dụng triệt để những lợi ích mà yoga đem lại, mở rộng nó và mang nó vào đời sống hàng ngày?”
Đây là những câu hỏi mà một giảng viên yoga kiêm blogger Rebecca Pacheco đã đặt ra trong cuốn sách do chính cô biên soạn có nhan đề: “Hãy niết tâm: Hướng yoga truyền thống vào sự hòa nhập với đời sống hiện đại” (Tên tiếng anh: Do Your Om Thing: Bending Yoga Tradition to Fit Your Modern Life).
Trong đoạn trích dưới đây, Rebecca sẽ giải thích con đường theo triết lý yoga dẫn tới sự hạnh phúc và làm sao để chúng ta thực sự có thể lĩnh hội, khiến nó trở nên hữu dụng cho bản thân mình.
Hạnh phúc sinh ra từ nội tại
“Hạnh phúc sinh ra từ nội tại” – đây là một câu thần chú để nghiền ngẫm khi bạn là một môn sinh yoga. Trong triết lý yoga của Ấn Độ, santosha (có nghĩa “sự mãn nguyện”) là một dạng hình thức của khả năng tự kiểm soát bản thân. Nói cách khác, hạnh phúc chính là kĩ năng và sự rèn luyện. Những người hạnh phúc không hề sống cuộc sống dễ dàng hơn chúng ta, làm những công việc nhàn hạ hơn, gặp ít đau buồn, chia ly hay ít chật vật về tài chính hơn tất cả chúng ta. Chỉ khác là họ biết ôm ấp lòng biết ơn, đón nhận những gì họ được ban tặng hơn chúng ta, họ ý thức được sự mãn nguyện của bản thân thường xuyên hơn.
Triết lý yoga hiện đại nhìn nhận yoga như một quá trình của sự tự hoàn thiện. Chúng ta tập luyện yoga để ta biết hoàn thiện bản thân tốt hơn, vận dụng sự linh hoạt tinh tế hơn. Chuyển hóa mình thành một cái tôi nhẫn nại hơn, tâm niệm sáng hơn. Trao cho những người xung quanh cơ hội thấu hiểu rõ hơn về bản thân ta, con người chân thực, “trần trụi” nhất của ta.
Suốt những năm tháng rèn luyện và giảng dạy yoga, tôi chưa bao giờ nghe thấy bất kì người nào bước vào phòng tập mà phân trần rằng:
“Tôi đến đây vì tôi đã hoàn toàn cảm thấy mãn nguyện với cuộc sống, thân hình và thế giới quan của mình. Tôi chẳng kiếm tìm sự thay đổi hay cải thiện gì thêm nữa. Chỉ là tôi muốn học cách tập yoga cho vui mà thôi”.
Tôi xin nhắc lại: Chưa bao giờ!
Mưu cầu sự tự hoàn thiện bản thân là một điều rất tuyệt vời. Có điều, ta phải nhớ bí quyết này: Tận hưởng dòng chảy của quá trình từng bước, từng bước một. Khi chúng ta không ngừng theo đuổi sự cải biến mà bỏ lơ những cảm xúc trân trọng dành cho hiện tại, tinh thần tùy duyên bất biến cũng theo đó mà xa rời, thì kết cục chúng ta sẽ đánh mất tất cả chân giá trị của yoga; thẳng thắn mà nói là đánh mất cả cuộc đời ta nữa.
Hạnh phúc đến từ bên trong con người. Với những nội tâm khác nhau thì cách thức hạnh phúc được lĩnh hội cũng khác nhau. Khi tôi làm mẫu những thế yoga thử thách độ khó cho học viên, tôi thường nói đùa rằng: một thế yoga dù có ấn tượng, tao nhã hay ngộ nghĩnh đến đâu, nó cũng bất lực thôi, nếu chúng ta muốn nó đóng vai trò chủ chốt làm thay đổi chất lượng cuộc sống của mình. Thực hiện được động tác “đứng bằng đầu” cũng không cứu rỗi chúng ta tránh khỏi những pha bắt phạt xe, mất việc hay bị người khác ruồng bỏ.
Nhưng trên một phương diện khác, quá trình học hỏi, rèn luyện độ tập trung, giữ thăng bằng, khống chế nhịp thở và tâm thế của các thế uốn cơ thể có thể đem lại nhiều tác động đa chiều và tích cực cho chặng đường đời phía trước ta sẽ bước tiếp.
Bất cứ khi nào bạn phát hiện bản thân trở nên quá hào hứng với vẻ đẹp và sự chớp nhoáng của những tư thế uốn dẻo công phu đó, hãy nhắc nhở mình về một “sứ mệnh” cao cả hơn. Hãy hỏi bản thân liệu cơ thể bạn, tâm trí bạn có đang tận hưởng quá trình tập không, hay chỉ là bạn đang thúc uốn bản thân để lao tới một đích đến đã được lý tưởng hóa?
Khi ta quên mất rằng hạnh phúc xuất phát từ nội tâm mà duy chỉ chăm chăm hướng đến dựa dẫm những giá trị bề ngoài hợp theo logic con người – như nhà, xe hay quần áo – thì chúng ta cuối cùng sẽ luôn luôn thất vọng.
Ngôi nhà sẽ không bao giờ đủ lớn, xe không bao giờ đủ mới, còn quần áo thì không bao giờ đủ đẹp cho tất cả các mùa. Chúng ta sẽ đánh mất bức tranh lớn hơn của dòng chảy quá trình mà chấp nhất những điều nhỏ nhặt, những điều sinh ra từ bản ngã và lòng vị kỷ.
Lòng biết ơn
Liệu bạn có muốn biết con đường nào ngắn nhất, trực tiếp nhất dẫn ta ra khỏi cái tôi của chính mình không? Xin hãy đặt lòng tin vào khắc tinh của giọng nói luôn hiển hiện trong suy nghĩ của chúng ta nói rằng: “Thế còn tôi thì sao?”.
Trong ngôn ngữ yoga, người ta gọi nó là santosha. Nó chính là lòng biết ơn. Nó là kỹ năng đưa bạn tránh xa những cảm xúc suy sụp vì những điều khó kiếm, dẫn bạn về kết nối lại với những cảm xúc mãn nguyện.
Bởi vì ngay khi bạn đặt nội tâm mình về với trạng thái cảm kích, biết ơn (đối với những điều dù là nhỏ nhất), bạn sẽ lập tức miễn nhiễm với sự ích kỷ và cái tôi.
Hai điều này chính là 2 thái cực xung khắc của nhau. Sự rèn luyện santosha sẽ giúp chúng ta thoát khỏi cái bẫy tư duy và để ta tận hưởng những giây phút được đu đưa thảnh thơi trên chiếc võng của sự biết ơn.
Hãy tĩnh tâm và thực hiện những điều này:
Giữ một cuốn nhật ký để bạn có thể ghi lại 3 điều mà bạn cảm thấy biết ơn mỗi ngày. Chúng có thể là những điều vô cùng nhỏ bé và bình dị như:
Một căn nhà ấm cúng, một người nào đó giữ cửa cho bạn bước qua, một email khiến bạn phải cười phá lên thích thú. Đọc lại nó trước khi đi ngủ và chú ý những cảm xúc nó đem lại cho bạn.
Nghĩ về một người nào đó mà bạn cho rằng họ lưu giữ được những cảm xúc mãn nguyện cho bản thân một cách thực sự sâu sắc. Hãy thử nghĩ xem những điều họ có thể làm để đạt được sự mãn nguyện đó?
Luôn giữ cho mình “bí quyết”: “Không chấp nhất phần thô ráp của hiện thực (mỗi khi nó diễn ra không theo như dự tính), chúng ta sẽ luyện thành kỹ năng và món quà đến từ lòng biết ơn”.
Nguồn dịch: Health.com