12/03/2021

5 lưu ý không thể bỏ qua khi hành thiền

Thiền đối với những ai đã tiếp xúc ít nhiều chắc hẳn đều để lại những dấu ấn không thể lẫn đi đâu được. Đó là khi con người ta cảm nhận được sự nhẹ nhõm nơi tâm mình mà trước nay chúng ta hiếm khi có được. Thiền sẽ không bao giờ là thiếu trong cuộc sống mỗi người, nhưng để việc hành thiền đạt được kết quả viên mãn, các bạn hãy lưu ý tới những điều sau đây nhé!

  1. Coi thiền như cuộc sống

Bạn đã hiểu thiền là gì và lí do tại sao chúng ta cần thực tập thiền hàng ngày. Như vậy ắt hẳn bạn sẽ hiểu tại sao mình cần phải coi thiền như cuộc sống của chính mình. Sống thiền, đó là danh từ để chỉ cho việc con người luôn phải ý thức hành thiền trong mọi hoạt động sinh hoạt hàng ngày, dù là nhỏ nhất. 15 phút, 1 tiếng cho việc ngồi thiền mỗi ngày có thể đã phù hợp với những ai muốn trải nghiệm chút cảm giác an lạc, thư thái trong lòng. Thế nhưng, để diệt trừ tận gốc khổ đau tới từ cái tôi vô minh và “tay sai” vọng tưởng của nó thì liệu như thế đã đủ chăng?

Quá trình đấu tranh cho việc dẹp bỏ vọng tưởng không đơn giản như nhiều người vẫn nghĩ. Do đó, việc hành thiền nên trở thành thói quen hàng ngày của chúng ta. Ta nên sống không thiếu thiền cũng như việc không thể thiếu ăn hay ngủ. Thực hành thiền được mọi lúc mọi nơi thì bạn mới gặt hái được nhiều thành quả. Một vài thời gian ngồi thiền ngắn ngủi sẽ không cho bạn được sự an lạc vĩnh viễn nếu như không có những cố gắng bên ngoài. Sự nỗ lực toàn diện mới tạo nên những thành quả vượt bậc.

Thiền sẽ không bao giờ là đủ chừng nào chúng ta chưa đạt được sự tự do nội tâm trong chính mình. Do đó, hãy ý thức thiền ngay cả khi bạn đang làm việc, đang đi xe, đang ăn… Đừng để đến thời gian ngồi thiền mới thiền. Bạn có thể thiền bất cứ khi nào miễn là bạn luôn ý thức mình phải thiền và dành tâm trí của mình hoàn toàn cho việc bạn đang làm, cho sự vào ra của hơi thở.

  1. Không trông mong điều gì

Trong bất kỳ điều gì, khi càng mong ngóng kết quả thì đó lại là cản trở cho chúng ta đạt được điều mình mong muốn. Đối với việc hành thiền cũng vậy, chúng ta cũng không nên trông mong rằng mình sẽ đạt được điều gì đó nhờ sự thực tập này. Nhất lại là thần thông hay một điều gì đó phi thực tế. Chúng ta cũng nên gạt bỏ ý nghĩ rằng không biết thiền đến bao giờ mới được an lạc hay trí tuệ. Sự thực tập phải đến từ sự hiểu biết thấu đáo của bạn về những gì mà thiền có thể đem lại cho bản thân mình. Nó cũng phải xuất phát từ mong muốn thực sự của bạn khi hướng tới cuộc sống hạnh phúc hơn.

Không ai ép buộc bạn thực hiện như một cỗ máy. Bạn hãy trải nghiệm thiền như những gì nó vốn có và kết quả chỉ có thể cảm nhận được khi bạn đã thực tập đúng cách và hết mình. Cho dù điều đó có đúng như mong đợi của bạn hay không nhưng nếu bạn không thực sự gạt bỏ hết được những mong cầu, dục vọng cá nhân thì sẽ không bao giờ bạn đến được với bất kỳ thay đổi tốt đẹp nào.

  1. Không căng thẳng và cưỡng bách mình

Thiền không yêu cầu chúng ta phải có khả năng nào đặc biệt hay ép ta vào khuôn khổ nào đó. Ngồi thiền đơn giản là việc ta ngồi và để cho tâm mình thật tĩnh lặng, cố gắng xóa bỏ mọi suy nghĩ, vọng tưởng trong đầu. Vậy nên, đừng cố gắng tạo căng thẳng cho chính bản thân mình. Thiền là để ta giải tỏa căng thẳng chứ không phải tạo ra thêm những áp lực. Như vậy, bạn hãy thật thư giãn, đừng cố ép mình hay buộc mình phải làm được điều gì hay đạt tới trạng thái nào khi thiền.

Vọng tưởng có thể không dẹp đi hết được trong những lần ngồi thiền, nhưng đừng vì thế mà gây áp lực cho bản thân. Ngay cả khi đang làm việc nào đó mà vọng tưởng xâm lấn, không làm cách nào để dẹp đi hết được để tập trung cho công việc, bạn cũng không cần phải thấy mình tồi tệ hay kém cỏi. Thực ra, chúng ta vẫn đang tiến bộ. Mỗi cố gắng để lấy lại chánh niệm khi ngồi thiền hay đang làm việc đều làm tâm trí của ta mạnh lên. Bạn khó có thể nhận ra thay đổi ngay lúc đó nhưng sau một thời gian, thành quả cho sự cố gắng của bạn mới được thấy biết rõ ràng. Bạn sẽ nhận ra mình đã tiến bộ như thế nào. Miễn là, trong bất cứ trường hợp nào, bạn cũng không quên và không ngừng nỗ lực thực tập thiền và duy trì chánh niệm.

  1. Tự khám phá

Trải nghiệm thiền của bạn hay những gì bạn đạt được trong quá trình hành thiền không ai khác ngoài chính bạn là người chứng thực. Bởi vậy, đừng chấp vào một điều mà ai đó đã nói với bạn hay bạn đã đọc được ở đâu đó về thiền. Đó chỉ là những kinh nghiệm mà những người đi trước đã rút ra được khi đã tự trải qua. Chúng ta có thể đọc để tham khảo nhưng đừng nghĩ là mình buộc phải làm hay tin hoàn toàn vào những gì được đề cập. Không phải những chia sẻ đó không chính xác mà ta phải tự lắng nghe mình, tự mình trải nghiệm và khám phá những điều trong chính bản thân với mục đích thiền tập của mình.

Hãy tìm ra những cách riêng của bạn để diệt trừ những vọng tưởng và đạt được sự an tịnh trong tâm hồn. Không ai hiểu được bạn hay giúp cho bạn tốt hơn chính bản thân bạn.

  1. Coi thử thách là cơ hội

Hành thiền và giữ gìn chánh niệm đồng nghĩa với ý thức về sự đấu tranh mạnh mẽ với mọi trạng thái cảm xúc và các suy nghĩ lăng xăng trong đầu chúng ta. Bạn có thể coi chúng là những kẻ thù không đội trời chung với mình. Tuy nhiên, thay vì sợ hãi hay tức giận về sự phiền nhiễu chúng gây ra, hãy đón nhận chúng như một cơ hội để bạn biết mình vẫn còn những vướng mắc, bám chấp như thế nào. Từ đó, bạn cũng ý thức về sự sửa đổi của mình mỗi ngày. Bởi mỗi vọng tưởng, mỗi cảm xúc còn nổi lên nghĩa là ta vẫn còn coi trọng việc đó, phân biệt và chấp vào đó. Nếu không như vậy, ta đã không nghĩ tới chúng rồi. Do đó, vọng tưởng đâu có cơ hội nổi lên nữa.

Chúng ta cũng ý thức rằng mình không thể gạt bỏ hết chúng được ngay lập tức nhưng mỗi lần ngồi thiền và hành thiền trong cuộc sống là mỗi lần ta chiến đấu với chính mình. Sự chiến đấu đó chắc chắn chỉ đem lại chiến thắng. Trước nay, ít ai để ý tới sức mạnh tâm thức của mình. Chúng như bị ngủ quên và bị thế chỗ bởi cái tôi ích kỷ. Mỗi sự chiến đấu chống lại cái tôi đồng nghĩa với việc chúng ta đánh thức sức mạnh tâm thức bên trong. Nó khiến ta mạnh mẽ hơn, vị tha và lạc quan hơn. Do đó, sự chiến thắng luôn tồn tại. Vậy nên, không có những cảm xúc tiêu cực hay vọng tưởng nổi lên thì sao ta có cơ hội khám phá sức mạnh đó. Đừng nản chí sau mỗi lần tưởng như là thất bại, hãy kiên nhẫn, kiên cường rồi bạn sẽ thành công, làm chủ ý chí của mình.

Chap Zen

Hãy để lại bình luận của bạn