Câu hỏi thường gặp – FAQ
Chào mừng bạn đến với Shop của Yoga Club Vietnam!!!
Dây tập yoga là một trong những dụng cụ hỗ trợ tập rất hữu ích, nó “kéo dài” tay chân của bạn, hoặc giữ bạn ở những tư thế cố định giúp bạn dễ dàng và thoải mái hơn khi vào tư thế chuẩn. Tùy thuộc vào từng tư thế, động tác bạn cần hỗ trợ của dây khi tập mà sử dụng dây có độ dài ngắn khác nhau. Dây yoga thường có 3 độ dài tiêu chuẩn là 1m8, 2m5 & 3m. Độ dài 1m8 đáp ứng đa số nhu cầu cơ bản của người tập, tuy nhiên nếu bạn là người cao lớn hoặc thích khám phá những tư thế mới với dây, thì độ dài 3m sẽ cho bạn sự thoải mái để sáng tạo mà không bị giới hạn bởi độ ngắn của dây. Độ dài 2m5 có thể là sự lựa chọn thích hợp vì nó nằm ở điểm cân bằng: đủ dài để thoải mái sáng tạo nhưng không quá dài để gây ra sự vướng víu và dễ rối. Một tiêu chí quan trọng để chọn dây yoga đó là đầu khóa phải thật chắc chắn, không bị tuột khi dây được khóa lại và dễ thao tác khóa/mở dây.
Sợi microfiber hay còn gọi là ‘siêu sợi’ được nghiên cứu và phát triển từ những năm 1970 tại Nhật Bản bởi tiến sỹ Miyoshi Okamoto, cấu tạo của sợi microfiber rất mảnh với kích thước chỉ bằng 1/100 sợi tóc và 1/20 sợi tơ tằm, nó có đặc tính ưu việt là mịn, nhẹ, siêu thấm hút, dễ làm sạch, khô nhanh, bền và không để lại bụi vải khi sử dụng. Chính vì vậy nó thường được sử dụng làm khăn tập yoga vì khả năng thấm hút lên đến 5-7 lần trọng lượng của nó (chỉ cần một chiếc khăn nhẹ 0.5kg có thể thấm được lượng nước từ 2.5 – 3.5kg), đây là ưu điểm vượt trội so với sợi cotton. Khăn sử dụng chất liệu microfiber cũng rất dễ làm sạch do không bị bám bẩn vào sợi, nó cũng nhanh khô hơn hẳn so với khăn từ sợi cotton.
Các bài tập yoga thường có cường độ vận động thấp, động tác nhẹ nhàng và yêu cầu sự cân bằng so với các bài tập gym đòi hỏi vận động mạnh, cường độ cao. Vì vậy: Thảm tập yoga sẽ có độ dày mỏng hơn so với thảm tập gym hay các loại thảm luyện tập khác, độ dày của thảm yoga thông thường từ 4-8mm. Độ dày này mang lại một độ êm vừa phải đồng thời cho phép sự kết nối mạnh mẽ với sàn để đảm bảo trụ vững và thăng bằng tốt. Các thảm tập yoga yêu cầu có độ bám xuống sàn và độ bám trên bề mặt cao hơn, đây cũng là một yếu tố khác biệt so với thảm tập gym. Ngày nay, nhiều mẫu thảm yoga du lịch rất di động, nhẹ và dễ dàng gấp lại được thậm chí chỉ mỏng có 1mm. Một số mẫu thảm yoga còn có kẻ định tuyến trên bề mặt rất tiện lợi cho người mới tập. Thảm tập gym thường có độ dày từ 10mm trở lên, thậm chí dày đến 50mm làm từ các chất liệu xốp hơn thảm yoga vì chúng được thiết kế để hấp thụ sốc và ngăn ngừa chấn thương có thể đến từ trượt, ngã và nhảy khi vận động mạnh. Nếu bạn xác định tập yoga, bạn nên chọn lựa thảm tập từ các thương hiệu chuyên về yoga để có những trải nghiệm tốt nhất, tránh nhầm lẫn với các thảm tập gym hay tập thể dục nói chung.
Ngay ở tên gọi cũng đã nói lên phần nào, thảm yoga du lịch thường dùng để chỉ các loại thảm yoga có kích thước gọn, khối lượng nhẹ, được thiết kế để tiện mang đi mang lại cho những người tập hay phải di chuyển mà vẫn muốn mang theo chiếc thảm của cá nhân mình. Thảm du lịch thường mỏng từ 1mm đến dưới 3mm và đa phần có thể gấp gọn lại cho vào ba lô, túi xách rất tiện lợi. Vì thảm du lịch mỏng nên thường được khuyến nghị là trải lên trên sàn nhà đã có sẵn lớp thảm nỉ như trong khách sạn hoặc trên nền cỏ để tránh đau. Với các bạn tập vẫn muốn trải trực tiếp lên trên các sàn cứng như gạch hay gỗ có thể lựa chọn các mẫu thảm du lịch có độ dày từ 2mm đến 3mm.
Trong vài năm gần đây các mẫu thảm yoga được phủ lớp nỉ trên bề mặt có cấu tạo từ sợi microfiber xuất hiện khá nhiều. Sợi microfiber hay còn gọi là ‘siêu sợi’ được nghiên cứu và phát triển từ những năm 1970 tại Nhật Bản bởi tiến sỹ Miyoshi Okamoto, cấu tạo của sợi microfiber rất mảnh với kích thước chỉ bằng 1/100 sợi tóc và 1/20 sợi tơ tằm, nó có đặc tính ưu việt là mịn, nhẹ, siêu thấm hút, dễ làm sạch, khô nhanh, bền và không để lại bụi vải khi sử dụng. Các thảm tập phủ nỉ microfiber có ưu điểm là thấm hút mồ hôi, càng ướt càng bám, dễ vệ sinh và đặc biệt là có thể in ấn nhiều màu sắc họa tiết nên có nhiều thiết kế đẹp và cá tính. Nhược điểm là không bám tốt khi thảm khô, để khắc phục bạn có thể làm ẩm tay hay bề mặt thảm trước khi tập.
Mỗi một loại thảm đều có hướng dẫn vệ sinh và bảo quản thảm đi kèm in trên tờ rơi hay sổ hướng dẫn sử dụng, bạn nên làm theo cho đúng. Mỗi loại thảm khác nhau có thể được khuyên dùng với nước vệ sinh thảm khác nhau, bạn cũng cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng ghi trên lọ nước vệ sinh thảm. Nếu không có nước vệ sinh thảm chuyên dụng, bạn có thể dùng khăn ẩm thấm nước sạch lau chùi các vết dơ trên bề mặt thảm. Đối với người ra nhiều mồ hôi, cần lau toàn bộ bề mặt thảm ngay sau khi tập để mồ hôi đỡ thấm vào thảm gây bẩn và làm thảm nhanh xuống cấp. Tuyệt đối không được cho thảm vào máy giặt hay ngâm thảm trong nước. Sau khi lau thảm nên để thảm khô tự nhiên nơi thoáng khí, tuyệt đối không phơi trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời hay máy sấy đối với các loại thảm có chất liệu làm từ cao su tự nhiên hay cao su đã qua xử lý như TPE.
Đây là câu hỏi mà shop rất hay gặp và cũng rất khó trả lời khi chưa biết rõ tiêu chí và nhu cầu của bạn. Đầu tiên bạn cần biết mục đích sử dụng thảm của mình: bạn mua thảm để trải trực tiếp trên sàn nhà cứng thì nên chọn một chiếc thảm dày, còn nếu trải đè lên thảm có sẵn ở phòng tập thì bạn chỉ cần loại mỏng, bạn hay di chuyển thì ưu tiên thảm nhẹ… Thứ hai là thể loại yoga bạn đang tập: Nhẹ nhàng, di chuyển chậm như Hatha, Yin… thì có thể dùng bất kỳ loại thảm nào; Đòi hỏi thể lực, nhiều tư thế chống đẩy như Ashtanga, Power yoga,… thì nên chọn thảm dày, đàn hồi tốt để bảo vệ khuỷu tay, đầu gối; Di chuyển liên tục như Vinyasa, hay đổ mồ hôi nhiều như Bikram và hot yoga thì bạn cần một chiếc thảm ưu tiên về độ bám tốt. Thứ ba là cơ địa của bạn: Nếu bạn hay đau xương khớp thì nên chọn thảm dày và êm; Hay ra mồ hôi dầu ở tay và chân thì cần chọn thảm có độ bám tốt khi ướt… Và còn khá nhiều những tiêu chí khác nữa như thiết kế, màu sắc theo phong thủy, ngân sách cho phép…
Hiện tại Đồ tập Yoga Tốt đang là nhà phân phối chính thức cho các thương hiệu chuyên về yoga hàng đầu dưới đây: + Liforme Anh (UK) – Nổi tiếng với những tấm thảm yoga mang lại trải nghiệm tốt nhất thế giới. + Manduka Mỹ – Đa dạng sản phẩm từ thảm tập, dụng cụ tập đến quần áo tập yoga với độ bền cao và thiết kế đẹp. + beYoga Đài Loan – Luôn nghiên cứu và ứng dụng những công nghệ mới cho sản phẩm, mang lại giá thành rất cạnh tranh, phù hợp với đa số người tập. + Lynk’s Clothes Việt Nam – Chuyên về quần áo tập yoga cao cấp với phong cách thiết kế độc đáo, ấn tượng dành riêng cho người tập yoga. Tiêu chí của chúng tôi là chỉ phân phối những sản phẩm từ các thương hiệu có chất lượng đảm bảo, an toàn sức khỏe, nguồn gốc rõ ràng.
Dụng cụ bắt buộc phải có là một chiếc thảm tập yoga, để hỗ trợ cho tập luyện ban đầu bạn có thể cần thêm một cặp gạch yoga và dây tập yoga. Sau này khi tập nâng cao và chuyên sâu hơn bạn có thể cần thêm các dụng cụ khác như vòng, bóng, võng… Và tất nhiên bạn cũng cần chuẩn bị thêm cho mình một vài bộ quần áo tập yoga để tiện thay đổi nữa, bạn có thể tham khảo thêm các bài viết rất chi tiết trong chuyên mục tư vấn ở menu phía trên.
Về công dụng thì cả 2 chất liệu đều đáp ứng tốt chức năng hỗ trợ cho người tập yoga, sự khác nhau được chỉ ra ngay ở tên gọi. Gạch yoga chất liệu xốp nhẹ, mềm và nhiều màu sắc hơn so với chất liệu gỗ bần nặng, cứng hơn và chỉ có một màu tự nhiên của gỗ bần. Vì vậy, nếu bạn thích nhiều màu sắc, nhẹ để có tính cơ động và một chút mềm mại thì nên chọn gạch chất liệu xốp. Ngược lại bạn thích màu sắc tự nhiên của gỗ, sự chắc chắn do độ cứng hơn của gỗ bần và chấp nhận nặng hơn thì nên chọn gạch chất liệu gỗ bần. Bạn lưu ý, nói là gạch gỗ bần cứng ở đây là so với gạch xốp, thực tế chất liệu gỗ bần vẫn có độ mềm và đàn hồi nhất định chứ không cứng đơ tuyệt đối như khối gỗ đâu ạ.
Bản của vòng tập (yoga wheel) chuẩn được thiết kế hẹp để khi tập những động tác chẳng hạn như uốn lưng trên hay mở vai chiếc vòng có thể nằm gọn phần giữa lưng, hoặc khi tập động tác bánh xe nâng cao vòng có thể nằm gọn giữa 2 chân và lưng. Đối với vóc dáng người Việt thì nên chọn vòng có đường kính khoảng 30-35cm và bản rộng 12-15cm. Vòng yoga cũng cần làm từ vật liệu chịu lực cao và càng nhẹ càng tốt để không bị méo và dễ dàng nâng lên hạ xuống, nắm giữ khi tập luyện. Thường khung vòng tập cao cấp hay sử dụng vật liệu nhựa chịu lực ABS (hay sử dụng làm mũ bảo hiểm) và bọc lớp TPE bên ngoài cho nhẹ và dễ vệ sinh. Các vòng tự chế hay các vòng giá rẻ thường phải làm bản rộng (để không bị méo, vỡ) và nặng do sử dụng nhựa PVC thông thường, nếu cố tình thiết kế bản hẹp thì nguy cơ bị méo, gãy, vỡ là rất cao.
Định tuyến (Alignment) là một thuật ngữ dùng để chỉ các thảm tập yoga có các đường kẻ và điểm đánh dấu trên bề mặt, nó có tác dụng như một công cụ điều hướng để giúp bạn dễ dàng xác định và nhớ các vị trí đặt tay, chân, hướng cơ thể vào các tư thế yoga chuẩn xác hơn. Với sự trợ giúp của hệ thống định tuyến, bạn không còn phải lúng túng ước đoán trong những trường hợp như: xem 2 tay hay 2 chân mình thẳng hàng chưa? bàn chân đã xoay đúng góc 45 độ chưa? Toàn bộ thân mình đã thẳng trên một trục hay chưa? khoảng cách 2 chân đúng chưa? v…v… Tùy thuộc vào từng mẫu thảm hay thương hiệu, thiết kế định tuyến sẽ khác nhau, từ đơn giản đến chi tiết… vui lòng xem hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất cho mỗi mẫu ở phần thảm định tuyến để biết thêm thông tin. Với các bạn mới bắt đầu tập thì hệ thống định tuyến sẽ giúp bạn rất nhiều trong việc tiếp thu nhanh và vào đúng tư thế, bạn nên chọn các thảm có định tuyến càng chi tiết càng tốt. Với các bạn đã luyện tập lâu năm và thuần thục rồi, có thể chỉ cần một tấm thảm với đường kẻ định tuyến đơn giản hoặc thậm chí là không có định tuyến.
Với những bạn khi tập ra rất nhiều mồ hôi, đặc biệt là mồ hôi ở lòng bàn tay và chân thì nên lựa chọn các loại thảm với chất liệu bề mặt được thiết kế chống trơn trượt khi mồ hôi ướt. Cụ thể, lựa chọn tối ưu nhất là các thảm được phủ chất liệu PU (Polyurethane) trên bề mặt, đây là chất liệu mang lại độ bám vượt trội kể cả khi đổ mồ hôi ướt hay khô. Chất liệu PU được mệnh danh là chất liệu “Vua” trong công nghệ chế tạo thảm tập, nên giá thành cũng thường cao hơn so với các chất liệu khác. Các thảm phủ chất liệu gỗ bần hay sợi microfiber cũng là một lựa chọn hợp lý, với đặc tính càng đổ mồ hôi ướt càng bám. Lưu ý là nếu tay chân khô lúc mới tập, bạn có thể làm ẩm tay chân hoặc bề mặt thảm để phát huy ngay độ bám của các loại thảm này.
Các thảm tập yoga cao cấp phần lớn đều sử dụng chất liệu cao su tự nhiên (natural rubber) bởi vì những đặc tính ưu việt của cao su tự nhiên là bền, chịu kéo và co giãn tốt, đàn hồi cao, an toàn và thân thiện môi trường. Đặc biệt, chất liệu cao su tự nhiên mang lại độ bám trên bề mặt cũng như khả năng bám sàn cực tốt. Tuy nhiên, các thảm tập làm từ cao su tự nhiên lại khá nặng, yêu cầu bảo quản và vệ sinh cũng khắt khe và có giá khá cao. Thảm cũng thường có mùi cao su nặng khi mới, mùi này là tự nhiên và không ảnh hưởng đến sức khỏe, sẽ phai dần theo thời gian sử dụng. Tham khảo thêm bài viết: Thảm tập Yoga – Hướng dẫn & lưu ý chọn mua.
Theo từ điển bách khoa toàn thư mở Wikipedia, TPE là chữ viết tắt của ThermoPlastic Elastomer với thành phần chủ yếu từ cao su kết hợp với plastic, hay nói cách khác là cao su tổng hợp hay cao su đã qua xử lý. Chất liệu TPE có đặc tính mềm dẻo, đàn hồi tốt, có khả năng chịu nước, nhẹ và gần như không mùi. Nó cũng là chất liệu thân thiện môi trường, có khả năng tái chế, giá thành cũng vừa phải nên được sử dụng nhiều để chế tạo thảm tập yoga trong những năm gần đây. Nhờ đặc tính của TPE mà các thảm tập yoga dùng chất liệu này có ưu điểm là nhẹ, dễ vệ sinh, độ bám, dẻo, đàn hồi tốt với mức giá phù hợp với đa số người dùng. Tham khảo thêm bài viết Thảm tập Yoga – Hướng dẫn & lưu ý chọn mua ở mục Tư vấn.
Dù rất đơn giản nhưng khá nhiều bạn lại hay mắc lỗi cuộn ngược thảm. Cách cuộn đúng là cuộn sao cho mặt trên của thảm (mặt mà bạn tập trên đó, thường là mặt có kẻ định tuyến hay logo…) ra phía ngoài sau khi cuộn. Để làm đúng như vậy, cách đơn giản là bạn lật ngược tấm thảm lên trên sàn rồi bắt đầu cuộn. Mục đích của cách cuộn này là ở lần tập tiếp theo, khi bạn trải thảm ra, tấm thảm sẽ nằm phẳng trên sàn mà không bị quăn lại ở 2 đầu mép thảm. Hơn nữa, nó sẽ giúp cho bề mặt trên tấm thảm của bạn không tạo thành các vết nhăn. Bạn nhớ là cần làm sạch và để khô thảm trước khi cuộn lại nhé, nó sẽ tránh cho thảm bị ẩm mốc hay có mùi hôi.
Chúng tôi ở đây để phục vụ bạn! Bạn có thể chọn bất kỳ hình thức đặt mua hàng nào thuận tiện nhất cho bạn: Trực tuyến ngay trên trang web này, qua trang Facebook, trang Zalo OA, Email hay gọi hotline: 0935 91 7677 Xem thêm chi tiết tại Hướng dẫn mua hàng
Chúng tôi giao hàng đến tất cả các tuyến huyện/thị xã trên toàn quốc thông qua các đối tác vận chuyển tin cậy. Bạn có thể trả tiền mặt khi nhận hàng (COD) hoặc thanh toán qua tài khoản ngân hàng đều được.